Làm cách gì để trồng được vườn rau sân thượng xanh mướt?

11/03/2021 15:00 GMT+7

Xu hướng trồng rau sạch tại nhà, trồng rau sân thượng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Thế nhưng, không phải ai trồng cũng thành công và nhiều bạn đã tốn không ít tiền bạc đầu tư nhưng không thu được thành quả gì.

Trồng rồi mới biết không hề đơn giản

Cứ mỗi lần nhắc đến “chiến tích” trồng rau sân thượng của mình là Nguyễn Thị Tuyết Nhung (hiện sống tại số 47 Lạc Long Quân, P. Phước Tân, TP. Nha Trang) lại thở dài than ngắn.

Nhung kể trong thời gian làm việc tại TP.HCM đã từng tập tành trồng rau sân thượng, nhưng cứ mỗi lần trồng là đều thu về tay trắng. Không những không có rau ăn mà còn tốn rất nhiều chi phí để mua trang thiết bị trồng cây.

Để có được vườn rau sân thượng xanh mướt, nhiều người đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu cách thức trồng, chứ không phải cứ muốn trồng là sẽ có rau để ăn

HOA NỮ

“Ngày đó cũng đam mê lắm, thấy trên mạng mọi người khoe rau sân thượng xanh mướt, thích gì đâu luôn. Thế là cũng về học đòi trồng, tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng luôn. Lúc đó không hiểu sao cũng đầu tư mua đất dinh dưỡng các kiểu mà về trồng cây lại không lên, có lúc lên được lứa đầu, còn gieo lại đợt thứ 2 thì cây lại không lên nổi”, Nhung nhớ lại.

Nhung kể cô nàng cũng đầu tư mua nào là chậu trồng cây dễ thoát nước, các khay trồng để tiết kiệm diện tích rồi phân trùn quế để cải tạo đất các kiểu nhưng cuối cùng trồng mấy vụ nhưng chẳng thu hoạch được gì, nản quá thế là cô nàng “giã từ dĩ vãng” trồng rau sân thượng.

“Giờ nguyên đống đồ phụ kiện trồng cây đó chẳng biết làm gì, nhưng tự dưng thấy nản lắm luôn. Lúc đó bạn cùng phòng hay nói với mình là rảnh quá, đi mua về ăn cho rồi, trồng có được gì đâu mà vừa mất công lại tốn tiền. Nói chung trải nghiệm rồi thì mình mới biết trồng rau sân thượng không hề đơn giản và không phải ai cũng làm được”, Nhung nói.

Nhiều bạn trẻ chọn đến trồng rau sân thượng để phục vụ cho nhu cầu bữa ăn sạch của gia đình, nhưng để trồng được rau lại là câu chuyện không hề đơn giản

HOA NỮ

Cũng giống Nhung, Trần Phương Trang (sống tại hẻm 96 Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TP.HCM) cũng không còn mặn mà gì với việc trồng rau sân thượng sau một thời gian đầu tư quá nhiều công sức và tiền bạc nhưng chẳng thu về được gì.

“Lúc đầu mình trồng vì đam mê, nhưng thất bại nhiều lần quá nên đam mê cũng bay biến luôn. Nói chung trồng vất quả quá chừng, sáng nào cũng tưới, tối đi làm về tưới, rồi công cải tạo đất này kia nữa. Mà mỗi lần bận đi công tác, là cứ lo ở nhà không ai tưới cây. Thế mà có thu hoạch được gì đâu, người ta nói mình không có tay trồng cây, nhưng mình nghĩ trồng cây phải thật kiên nhẫn và có thời gian với nó, chứ bỏ bê và đầu tư không đến đâu thì cũng như không”, Trang kể.

Bí quyết để có vườn rau sân thượng xanh mướt

Là một chàng trai từng “gây sốt” khi “biến” sân thượng của mình thành vườn cây trĩu quả, anh Nguyễn Văn Giàu (sống tại đường Phạm Văn Bạch, Q. Tân Bình, TP.HCM) cũng khẳng định rằng trồng cây sân thượng không hề đơn giản và không phải ai cũng có thể trồng được.

Trồng rau đã khó, trồng được một vườn trái cây trên sân thượng nào là nho, ổi, táo, dưa lưới, dưa lê…tất cả đều trĩu quả như anh Giàu thì không hề đơn giản.

Dưa lưới nặng trĩu quả trên sân thượng của anh Giàu

HOA NỮ

Chia sẻ về bí quyết của mình anh Giàu khuyên với những bạn mới tập trồng thì đầu tiên cần phải xác định được những loại cây nào mình nên trồng hoặc chưa nên trồng, lúc mới bắt đầu thì nên trồng các loại rau củ, cây ngắn ngày như xà lách, su hào, rau muống…để tích lũy kinh nghiệm chăm sóc và cách bón phân. Sau khi thành công thì chuyển qua các loại cây khó hơn 1 chút như cà chua, dưa leo, bầu, bí…cuối cùng mới đến các loại cây khó chăm hoặc cây ăn trái lâu năm như các loại dưa, nho, ổi, táo…

Thứ 2 anh Giàu khuyên phải tìm hiểu về loại cây mình muốn trồng thông qua Google hoặc các hội nhóm trồng cây trên mạng, mỗi loại cây trồng đều có cách sinh trưởng, phát triển khác nhau, phải học được cách chăm sóc, bấm ngọn, tỉa cành, tạo tán…Thứ 3 là phải tìm hiểu về các loại phân bón hữu cơ và vô cơ cũng như cái cách mà cây hấp thụ chất dinh dưỡng, tùy giai đoạn phát triển mà cây cần ít hay cần nhiều, cần những nguyên tố nào trong lúc đó.

Táo của anh Giàu trồng trên sân thượng cũng sai trĩu quả

HOA NỮ

“Một điều cũng không kém phần quan trọng là phải tìm hiểu về các loại sâu bệnh hoặc nấm bệnh thường gặp trên cây trồng. Mỗi loại cây đều có các loại bệnh lý và biểu hiện cũng khác nhau, điều này phải trải qua vài năm kinh nghiệm thì mới kiểm soát hết được. Và một vấn đề nữa là các bạn phải có lòng kiên nhẫn và có đủ đam mê. Việc trồng 1 cái cây tới ngày thu hoạch đâu phải chỉ mất 1 vài ngày, có khi là 1, 2 năm không biết chừng, vì thế phải thật sự kiên nhẫn và đam mê”, anh Giàu gửi gắm.

Cách để trồng rau sân thượng không cần đất

Còn với chị Bùi Thị Thương (Q. Bình Tân, TP.HCM), người sở hữu sân thượng rau, củ, quả đủ các loại khiến nhiều người ngưỡng mộ, thì bí quyết của chị Thương là trộn giá thể để thay cho đất trồng cây.

Chia sẻ cặn kẽ về cách trộn giá thể của mình, chị Thương cho biết giá thể trồng rau bao gồm các thành phần chính là phân bò, trấu hun, xơ dừa, bánh dầu (có hoặc không cũng được), vỏ đậu phộng…

Nhờ cách trộn giá thể thay cho đất mà cây chị Thương trồng trên sân thượng vẫn trĩu nặng quả như được trồng ngoài các thửa ruộng

HOA NỮ

Cách ủ phân bò chị Thương cho biết phân bò khô khoảng 10kg được xịt nước ẩm để qua ngày cho mềm rồi đập mịn. Nếu phân bò không đập thì ủ 15 ngày cho mềm và đổ ra bóp tơi, rồi ủ lại.  Lấy khoảng 4 muỗng canh nấm Trichoderma pha với 5 lit nước để tưới đều lên phân bò rồi trộn đều (kiểm tra phân bò vừa đủ ẩm là được).

Đổ phân bò vào ủ trong thùng xốp hoặc thùng nhựa có nắp đậy vừa đủ lọt không khí vào để vi sinh vật phát triển (không để nước mưa rơi vào sẽ gây mùi và giòi xuất hiện). Từ ngày thứ 3, thùng ủ nóng lên dần. Đến ngày thứ 15, nấm trắng là vi sinh đang phát triển xuất hiện và nhiệt độ nóng khoảng 50-60 độ C. Khi ủ như vậy, ấu trùng cộng trứng ấu trùng và hạt cỏ trong phân sẽ bị tiêu diệt.

“Nếu không thấy có 2 trường hợp trên là không thành công. Phân bò cần được trộn đều trong thùng và đậy nắp ủ đến ngày thứ 30, nếu trong thùng hết nóng là dùng được (Thời gian ủ từ 1-6 tháng)”, chị Thương chia sẻ.

Chị Thương cho rằng trồng rau trên sân thượng cần phải kiên trì và chịu khó học hỏi

HOA NỮ

Còn với cách xử lý trấu chị Thương khuyên nếu có thời gian và điều kiện nên mua trấu tươi về hun. Không nên dùng trấu tươi vì có mầm bệnh, nấm, hay còn sót lại hạt lúa sẽ mọc lên cây con. Nếu không hun thì đổ trấu vào thùng ngâm nước trong 10 ngày. Sau đó, ủ trấu với trichoderma cho chết hết mầm bệnh.

Cách xử lý xơ dừa thì xả xơ dừa với nước sau đó ngâm với nước có pha khoảng 0,5 kg vôi bột nông nghiệp, ngâm khoảng một ngày rồi mang xả lại với nước. Khâu tiếp theo là vắt khô xơ dừa để dùng. Nếu không được xử lý, xơ dừa còn chất chát sẽ làm quéo rễ, cây không phát triển mà chết từ từ.

Tỷ lệ trộn giá thể chị Thương “bật mí” là 50% phân bò (cung cấp dinh dưỡng), 30% trấu hun (để làm xốp giá thể), 20% xơ dừa (để giữ độ ẩm), nếu có thêm vỏ đậu phộng thì càng tốt.

“Phân bò đã ủ, trấu và xơ dừa trộn lại thành “đất” trồng rau sẽ có dinh dưỡng cao, rẻ hơn đất mua, giảm tải được trọng lượng khi trồng rau sân thượng. Lượng giá thể để trồng rau ăn lá chỉ từ 5-7 cm, cây ăn trái leo giàn thì từ 7-10cm. Trong quá trình trồng, tưới phân cá hoặc bánh dầu, hoặc nước ủ rác để cây đủ dinh dưỡng phát triển”, chị Thương gửi gắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.