Vườn rau chi đoàn của lính vùng biên

21/10/2017 13:47 GMT+7

Biên giới vào cuối mùa mưa. Vừa ngớt những cơn mưa rừng trút xuống dai dẳng là cái nắng gắt khó chịu. Nắng táp vào mặt nóng hầm hập với nhiệt độ trên dưới 40 độ khiến mặt ai cũng sạm lại.

Các chiến sĩ trẻ Đồn biên phòng 721, H.Đức Cơ (Gia Lai) tuổi đôi mươi, số luyện tập, số mới đi tuần tra về mồ hôi nhễ nhại. Cách đồn không xa, những luống rau mà các chiến sĩ trẻ của đồn chăm nom hằng ngày vẫn xanh tốt.
Chỉ vài sào rau nhưng nhờ khéo canh tác nên chủng loại khá đa dạng. Mùa nào thức ấy. Mùa mưa thì có rau muống, rau lang, cà. Mùa khô thì trồng diếp cá, bầu đất, rau đay… Cứ đến bốn rưỡi chiều, sau một ngày miệt mài với thao trường, công việc, các chiến sĩ tập trung ở vườn rau. Mỗi người mỗi việc, người vun luống, người nhổ cỏ, trồng rau, tưới nước. Binh nhất Phùng Nghĩa Phước (quê ở Quảng Bình) cho biết: “Rau trồng ở đây không dùng bất cứ một loại hóa chất nào nên đảm bảo sạch. Nhìn vậy, chứ tụi em không bắt sâu, bắt ốc sên thì chỉ vài ngày là đám phá hoại này làm tan hoang vườn rau ngay”.
Đặc biệt, vườn rau này còn trồng thêm một số loại cây trồng khác để cung cấp thêm rau cho đàn heo hơn 100 con. Toàn bộ heo ở đây cũng là heo sạch, chỉ tuyền ăn rau, cám gạo nên thịt rất ngon. Binh nhất Thân Lê Hoàng Anh (quê ở Bình Định) khoe: “Vừa là nhiệm vụ nhưng cũng vừa là kinh nghiệm quý báu để sau này xuất ngũ, em có thể mưu sinh từ nghề trồng rau và chăn nuôi đấy”.
Mang tên là Vườn rau Chi đoàn Đồn biên phòng 721 nhưng không chỉ chiến sĩ mà các cán bộ chỉ huy của đồn cũng cùng chung tay chăm sóc, để vườn rau và khu chăn nuôi phát triển như ngày hôm nay. Mô hình này trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của lực lượng Bộ đội biên phòng Gia Lai.
Thiếu tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn biên phòng 721, chia sẻ: “Vườn rau của đồn đủ cung cấp cho cán bộ chiến sĩ suốt cả năm. Nguồn chăn nuôi cũng góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn. Vừa đảm bảo sức khỏe lại phát triển phong trào thanh niên thi đua tăng gia sản xuất. Đây cũng là phương pháp giúp các chiến sĩ vơi nỗi nhớ nhà, có thêm kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi. Các chiến sĩ đa số ở quê. Họ sẽ tích lũy thêm kiến thức để sau này khi hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về quê có thể giúp vững vàng trong mưu sinh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.