Không còn “trồng cây” trong... sách
Thiếu thực tế là một thực trạng trong giáo dục VN, đặc biệt ở cấp phổ thông. Học lịch sử nhưng học sinh (HS) ít khi được ra bảo tàng, học thể dục không mấy khi được đến sân vận động, học môn sinh nhưng hiếm hoi mới biết tới... vườn ươm.
Để HS tiếp cận với thực tế, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình vườn thực nghiệm sinh học. Ở đó các HS đã tự tay ươm cây, chăm sóc cây... ngay tại vườn ươm trong nhà trường.
Tại Trường THPT TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), từ ngày vườn ươm cây giống được gầy dựng, nơi đây trở thành chốn lui tới thường xuyên của các HS.
Chứng kiến một giờ học trong vườn ươm thực nghiệm, sẽ thấy hiếm có giờ học nào mang lại nhiều nụ cười đến thế. Giờ học rất thoải mái, vui vẻ nhưng cũng rất bổ ích. “Học ở đây thì thích hơn học lý thuyết ở trên lớp rồi. Thích nhất là khi nắm lý thuyết thì có thể ra áp dụng ngay tại vườn ươm và mấy ngày sau cứ ra vườn đều đặn xem kết quả có đúng như mong đợi không. Hồi hộp xem cây có phát triển đầy đủ…”, Lan Trinh, HS ở Trường THPT TT.Cửa Tùng, cho hay.
Thầy Trần Quang Thu, Hiệu phó Trường THPT TT.Cửa Tùng, cũng khá bất ngờ trước sự háo hức của HS khi học trong vườn ươm. “Kết quả rất mỹ mãn vì giờ học giúp HS hứng thú. Giờ sinh học bây giờ như là khoảng thời gian giảm bớt căng thẳng cho HS cũng như hình thành thói quen lao động cho tụi nhỏ”, thầy Thu phấn khởi nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hiếu, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị), mô hình vườn ươm sinh học được triển khai ở 6 trường THPT trên địa bàn Quảng Trị, gồm các trường: Cam Lộ, Hải Lăng, TT.Quảng Trị, Đakrông, Chu Văn An... “Các vườn ươm đều được trồng các giống cây với số lượng lớn và hiện chúng tôi đang tiến hành tổng kết thử nghiệm để tìm hướng nhân rộng mô hình này ở nhiều điểm trường hơn”, thầy Hiếu nói.
Trồng hoa trên nghĩa trang, bán hoa tặng mẹ
Nhưng điều đáng trân trọng hơn nữa chính là việc tiết học ở vườn ươm đã được những người làm giáo dục và các HS nối dài thành tiết... “giáo dục công dân”.
Số cây trồng được, HS mang lên trồng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 hoặc bán lấy tiền để mua quà tặng các mẹ VN anh hùng, các bạn HS nghèo vượt khó.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho hay ngay từ đầu khi thực hiện mô hình, ngành giáo dục chưa bao giờ đặt nặng về việc “trồng cây ra thì HS sẽ bán được bao nhiêu tiền” mà hướng đến những giá trị cốt lõi khác. “Ngoài vấn đề về kiến thức sinh học được thu nạp trong quá trình học tại vườn ươm, các em sẽ còn biết yêu thương đồng loại, uống nước nhớ nguồn, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do... thông qua những buổi ngoại khóa trồng cây trên nghĩa trang hay đến thăm các mẹ VN anh hùng”, bà Hương nói.
Dù không đặt nặng nhưng nhờ những cách sáng tạo nên các HS đã bán được rất nhiều hoa, đặc biệt qua mạng xã hội. Với số tiền thu về kha khá, các HS dành để mua những món quà như chăn, nệm... gửi các bà mẹ VN anh hùng.
Riêng việc trồng cây tại nghĩa trang thì thành công hơn cả mong đợi. Đến nay, chỉ riêng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 có đến 6.000 cây bông trang đã được HS các trường trong tỉnh Quảng Trị chuyển về trồng tại đây, làm đẹp nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng ngàn liệt sĩ. Ông Hoàng Chí, Giám đốc Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tấm tắc: “Thấy tụi nhỏ thế nhưng làm rất được việc, lại làm rất có trách nhiệm chứ không làm quấy quá cho qua chuyện. Chúng tôi vui vì nghĩa trang thêm đẹp và vui vì tấm lòng của tụi nhỏ”.
Bình luận (0)