Vương quốc Phù Nam bao gồm nhiều tiểu quốc, cương vực quốc gia tùy theo thời điểm có đường biên giới mở rộng hay thu hẹp khác nhau, tuy nhiên qua các nguồn sử liệu ghi chép và bằng chứng khảo cổ học, phần lớn các nhà nghiên cứu khẳng định, phạm vi của vương quốc Phù Nam nằm trong khoảng nam Đông Dương bao gồm phía nam của Lào, toàn bộ Campuchia, một phần của Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là cả vùng đất châu thổ sông Mekong - Cửu Long, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (thuộc Nam bộ Việt Nam).
Gắn liền với vương quốc cổ Phù Nam là một nền văn hóa Óc Eo rực rỡ, từng tỏa sáng trong lịch sử và có nhiều đóng góp vào văn hóa vùng Đông Nam Á nói chung, văn hóa dân tộc Việt Nam trong lịch sử nói riêng. Văn hóa Óc Eo có phạm vi phân bố và ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều so với cương vực lãnh thổ của vương quốc Phù Nam; hình thành từ giai đoạn mà các nhà nghiên cứu gọi là “Tiền Óc Eo” (khoảng nửa sau Thiên niên kỷ trước Công nguyên), đến văn hóa Óc Eo điển hình (thế kỷ 1 - 7) và truyền thống của văn hóa Óc Eo còn tiếp tục kéo dài cho đến thế kỷ 8 - 9 (nhiều nhà nghiên cứu gọi là giai đoạn “Hậu Óc Eo” - trước thời điểm người Khmer lập ra vương quốc Chân Lạp - tiền Angkor).
Viện Khảo cổ học khai quật di tích Linh Sơn - thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn, An Giang, năm 2017 |
LƯƠNG CHÁNH TÒNG |
Từ ghi chép của sử gia Trịnh Hoài Đức
Việc phát hiện và nghiên cứu về vương quốc cổ Phù Nam cùng nền văn hóa Óc Eo đến nay đã trên 2 thế kỷ, tính từ ghi chép đầu tiên của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí. Năm 1816, khi đào đất trùng tu chùa Gò Cây Mai (còn gọi là Mai Khâu - Gò Mai, nay là góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.11, TP.HCM), người xưa đã tìm thấy nhiều gạch ngói cỡ lớn và 2 miếng vàng hình vuông 1 tấc, nặng 3 đồng cân, ngoài mặt có chạm hình “yêu cổ cưỡi voi”.
Nghiên cứu nhóm di vật này, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret cho rằng có thể là hình Indra cưỡi voi Aravata của văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, cũng như các ghi chép về thành trì, đền miếu, chùa chiền… đây chỉ là những mô tả qua phát hiện ngẫu nhiên, chưa phải là phát hiện mang tính khảo cổ học.
Sử gia Trịnh Hoài Đức khi đó chưa nhận biết đó là những vết tích vật chất của văn hóa Óc Eo và những người khai phá vùng đất này chưa nhận thức được có một nền văn hóa cổ cách đó hàng ngàn năm nơi họ cư trú.
Vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo mới chỉ thực sự được nhận thức, nghiên cứu và định danh vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20 với những thành tựu ban đầu bởi các nhà nghiên cứu phương Tây, đặc biệt là những nghiên cứu khai quật của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret trong những năm 1937 - 1944 và công bố trong những năm 1959 - 1963.
Kế thừa thành tựu của các học giả đi trước, tổng thể văn hóa Óc Eo được các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật, nghiên cứu, hệ thống hóa, công bố, so sánh đối chiếu một cách khoa học, có hệ thống kể từ sau năm 1975 đến nay.
Từ những dấu tích vật chất xuất lộ khiến người ta phải thừa nhận rằng ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, ở đây đã tồn tại một nền văn minh phát triển rực rỡ với trình độ cao về tổ chức xã hội, kỹ thuật sản xuất gốm, đá và kim loại, đồng thời có những mối giao lưu với nhiều nước Đông Nam Á và các nền văn minh lớn. Số lượng các hiện vật nghệ thuật được phát hiện thể hiện một nền nghệ thuật phát triển cao với nội dung tôn giáo là chủ yếu là Phật giáo và Hindu giáo.
Đến đầu thế kỷ 20, có 350 địa điểm có di tích, di vật được biết đến công bố, nhưng những di tích, di vật này chỉ giới hạn trong các cuộc điều tra khảo sát hiện trường trên bề mặt các di tích, di chỉ.
Từ năm 1937 - 1944, Louis Malleret đã tiến hành điều tra khảo sát nhiều địa điểm cư trú trên địa bàn Nam bộ và tiến hành khai quật khảo cổ học tại 5 địa điểm: Gò Cây Thị, Gò Óc Eo, Giồng Cát và đào thám sát nhiều hố trên cánh đồng Óc Eo, sườn núi Ba Thê. Kết quả nghiên cứu được công bố trong cuốn L’Archeologie du delta du Mékong, trong đó 3 tập đầu (1959 - 1962) công bố 136 địa điểm ở miền tây sông Hậu và tập cuối (1963) công bố 167 địa điểm di tích ở hạ lưu sông Tiền và Đông Nam bộ.
Dựa vào di tích, di vật tìm được vô cùng phong phú với nhiều loại hình, qua phân tích nghiên cứu, theo Louis Malleret nền văn hóa này có hai giai đoạn là thời kỳ trước Khmer thế kỷ 2 - 6 tương ứng với lịch sử tồn tại nhà nước cổ đại Phù Nam và thời kỳ tiền Angkor và Chân Lạp thế kỷ 7 về sau.
Như vậy, những người nghiên cứu đầu tiên dựa vào di tích di vật tìm được đã cho thấy hai giai đoạn phát triển của nền văn hóa này, mà mốc của nó là trước và sau thế kỷ 7 gắn liền với sự tồn tại của nhà nước cổ Phù Nam thể hiện trong lịch sử như nhiều tài liệu, sử liệu ghi chép.
Sau năm 1975, ngành khảo cổ học phía Nam với sự cộng tác của các bảo tàng địa phương tiến hành khảo sát, khai quật nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học. Kết quả nghiên cứu đã mang lại nhiều tư liệu, nhận thức mới, soi sáng và minh họa một cách cụ thể cho văn hóa Óc Eo và lịch sử vương quốc Phù Nam. Các phát hiện mới của ngành khảo cổ học cho thấy địa bàn phân bố của các di tích Óc Eo gần như bao quát toàn vùng đồng bằng Nam bộ và lưu vực sông Đồng Nai. Có khoảng trên 100 di tích đã được kiểm chứng và phát hiện mới, nâng tổng số di tích liên quan đến vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo lên trên 500 địa điểm.
Các nhà nghiên cứu cùng cặm cụi, tỉ mỉ lật giở từng “trang sử đất” để dần dần giải mã một vương quốc cổ Phù Nam huyền bí với những phát hiện khảo cổ học thực sự kinh ngạc. (còn tiếp)
Bình luận (0)