Vướng thủ tục, nhiều lao động chưa nhận tiền hỗ trợ Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
13/08/2021 07:00 GMT+7

Mặc dù Hà Nội đã công bố quyết định lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được nhận hỗ trợ, nhưng để tiếp cận được số tiền 1,5 triệu đồng không dễ, bởi người lao động (NLĐ) vấp phải nhiều rào cản thủ tục, giấy tờ.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Đỗ Thị Thơ (quê Thanh Hóa; hiện đang ở trọ phố Dương Quảng Hàm, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bưng bê, rửa bát cho một quán ăn. Công việc đều đặn, hàng tháng bà Thơ kiếm 4 triệu đồng. Trừ tiền nhà trọ, ăn uống, mỗi tháng bà Thơ cũng dành dụm được 2 triệu gửi về quê chữa bệnh cho chồng. Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, quán ăn lúc đóng lúc nghỉ, còn gần 1 tháng nay, Hà Nội giãn cách, nên bà Thơ không kiếm nổi một đồng, trong khi vẫn phải ăn, trả tiền thuê nhà, tiền điện nước…
“Đói quá, mấy hôm rồi, mọi người trong xóm trọ rủ nhau xin cơm từ thiện cố gắng cầm cự qua ngày. Nghe nói có chính sách hỗ trợ lao động, tôi đã hỏi tổ dân phố để làm thủ tục, chứng minh thư, đơn xin hỗ trợ đều có, nhưng họ yêu cầu phải về quê xin xác nhận. Giờ ra đường còn khó, nói gì về quê, mà sau này nếu có về được thì tiền đi lại cũng tốn kém, trong khi đang cần lại không có”, bà Thơ than thở.
Bà Thơ là một trong số hàng nghìn lao động tự do đang bị “mắc kẹt” lại Hà Nội trong 2 đợt giãn cách, đều không tiếp cận được hỗ trợ. Dịch bệnh đến bất ngờ, và không ai nghĩ kéo dài đến thế, khiến họ lâm vào cảnh “về cũng dở, ở không xong”.

Bác sĩ ơi! Mắc Covid-19 làm sao tăng sức đề kháng | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Anh Nguyễn Mạnh H. (thợ xây quê ở Nghệ An) chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng 15 ngày qua đợt giãn cách, nhưng giờ lại tiếp tục đợt 2 thì không thể chịu đựng được nữa. Việc không có, chủ thầu trước cũng thỉnh thoảng cũng có gửi đồ tiếp tế, nhưng gần đây Hà Nội làm chặt, đi lại khó khăn nên bẵng hẳn. Thấy người ta nói hỗ trợ tiền mặt lao động tự do trên ti vi, hỏi ra mới biết, chúng tôi không nằm trong danh sách được hỗ trợ. Cực chẳng đã chúng tôi đã phải lên mạng xã hội xin các nhà hảo tâm từng gói mì, quả trứng…”. Nhiều lao động cho hay, họ đã phải bỏ cuộc vì không thể photo được giấy tờ và xin giấy xác nhận ở quê.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, tính đến ngày 12.8, Hà Nội đã có quyết định duyệt chi trả hơn 152 tỉ đồng cho các đối tượng, trong đó đã thực hiện chi trả 143 tỉ đồng. Riêng đối với lao động tự do, hiện nay toàn thành phố hỗ trợ 5.100 lao động tự do với số tiền 7,75 tỉ đồng.

Kiến nghị cho NLĐ viết cam kết

Trong quá trình triển khai thực hiện, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Cầu Giấy, cho hay vướng mắc nhất là ở chỗ, mỗi người hiểu một cách. Vì vậy, TP cố gắng trao đổi, hướng dẫn bằng văn bản thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ được khó khăn. “Chúng tôi đã phải “vượt rào” để đảm bảo tiến độ giải quyết thông thoáng nhất cho người dân. Trong đó, ưu tiên đối tượng có hộ khẩu, giấy tạm trú. Đối với những người hộ khẩu 1 nơi, tạm trú 1 nơi, chúng tôi nhận giấy xác nhận qua tin nhắn zalo có chữ ký của người dân kèm theo giấy viết tay cam kết không nhận và chưa nhận ở địa phương. Thủ tục giải quyết cũng được rút ngắn từ 6 ngày xuống còn 3 ngày”, ông Hồng nói.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng-Light, cho rằng quy định phải về nơi thường trú để lấy xác nhận trong bối cảnh giãn cách là một rào cản đối với NLĐ. Với mức hỗ trợ 1,5 triệu, NLĐ khó có thể lấy được tiền. “Thực tế, những ngày qua, chúng tôi đi nhiều vùng cách ly ở Hà Nội, nhất là dọc ven đê, NLĐ không còn tiền, không có tiền tiết kiệm, phải sống nhờ vào cứu trợ, không biết được bao nhiêu ngày. Họ không có các thiết bị thông minh để có thể gửi hay tiếp nhận thông tin. Lúc người ta cần tiền nhất, thì chính sách lại không đến được với họ”, bà Giang bày tỏ.
Để tháo gỡ được nút thắt này, bà Giang kiến nghị: “Chính quyền địa phương có thể yêu cầu NLĐ viết cam kết xác nhận hỗ trợ tại nơi tạm trú, nếu nhận 2 lần sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thay vì yêu cầu NLĐ xác minh, chúng ta có thể xác minh nhân thân cho họ bằng cách lập danh sách, gửi thông báo về địa phương NLĐ đã nhận tại Hà Nội”.
Ông Lê Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết những ngày qua, rất nhiều đối tượng lao động tự do hỏi về vướng mắc, khó khăn. “Một trong những lý do chậm chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là Hà Nội đang giãn cách, do người dân không được ra khỏi nhà, chưa thực hiện được thủ tục hỗ trợ chính sách. Chúng tôi đang chỉ đạo các quận, huyện linh hoạt trong phương thức thực hiện, để tiền hỗ trợ đến tay NLĐ sớm nhất”, ông Dân thông tin.
Lý giải việc phải lấy giấy xác nhận tình trạng cư trú, ông Dân cho rằng, việc giấy xác nhận để tránh lợi dụng và trục lợi chính sách. “Nhiều người băn khoăn thủ tục hơi rườm rà, nhưng đó là yêu cầu bắt buộc, bởi để tránh tình trạng NLĐ ngoại tỉnh đã lĩnh ở HN, sau đó vê quê vẫn khai, lại tiếp tục nhận hỗ trợ tại nơi trường trú. Sở sẽ tiếp thu ý kiến về quy trình thủ tục và đề xuất kịp thời với UBND để rút gọn thủ tục, tháo gỡ kịp thời vướng mắc”, ông Dân nói.
Theo hướng dẫn của Hà Nội, lao động tự do muốn được nhận hỗ trợ, phải làm đơn theo mẫu, bản photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, kèm hộ khẩu thường trú. Nếu là lao động tạm trú phải có thêm xác nhận tình trạng cư trú và xác nhận tại nơi đăng ký thường trú. Giấy tờ nộp lên phường, chờ các cấp xét duyệt trong 8 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.