Vượt bão Covid-19, các dự án hạ tầng công nghệ vẫn ưu tiên chạy đua tiến độ

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
25/10/2021 12:06 GMT+7

Mặc dù vướng dịch Covid-19 nhưng các dự án hạ tầng công nghệ TP.Đà Nẵng vẫn được đẩy nhanh để xây “tổ” đón đại bàng, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực thành phố thông minh.

Những ngày này, Công viên phần mềm số 2 (chân cầu Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nhộn nhịp các đội nhóm công nhân đua tiến độ. Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là BQL), nhờ năng lực các nhà thầu đồng đều, đến nay tòa nhà văn phòng 8 tầng ICT 1 gồm 2 khối đã rút ngắn tiến độ 8 tháng. Hiện tòa nhà này đã hoàn thiện 6 tầng, đang lắp vách kính tầng 7 - 8 và thi công cơ điện, đảm bảo đến ngày 31.12 sẽ bàn giao cho đơn vị thuê lắp đặt văn phòng, vận hành vào 28.2.2022.

Công viên phần mềm số 2 với các hạng mục vượt tiến độ từ 5 - 8 tháng

NGUYỄN TÚ

Tòa nhà văn phòng kết hợp khu cà phê 8 tầng ICT2 và tòa nhà văn phòng 20 tầng ICT cũng cam kết hoàn thiện vào 31.3.2022, rút ngắn tiến độ 5 tháng, dự kiến bàn giao tháng 8.2022. Ông Trương Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vinaconex 25 (đại diện liên danh nhà thầu), cho biết sau khi khởi công tháng 10.2020, liên danh đã cùng BQL, đơn vị tư vấn vượt qua nhiều khó khăn (về giá vật tư và chi phí tăng) để đảm bảo tiến độ.

Vướng dịch, vẫn vượt tiến độ

Từ tháng 5.2021, dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ, công trình dừng thi công 45 ngày nhưng liên danh vẫn chấp nhận chi phí như chế độ đãi ngộ công nhân, lo chỗ ăn ở và công tác chống dịch để khi có điều kiện là đảm bảo 100% quân số, tái khởi động ngay. “BQL cũng hỗ trợ tạm ứng thanh toán khối lượng kịp thời, các giải pháp vượt “bão” giá và “bão” Covid-19 để giữ chân người lao động và đáp ứng tiến độ công trình trọng điểm”, ông Đức nói.

Dù đang thi công, nhưng Công viên phần mềm số 2 đã có nhiều doanh nghiệp đặt chỗ, trong đó có những tập đoàn lớn CNTT trên thế giới chọn làm tổng hành dinh, cho thấy sức hút về hạ tầng và vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ công nghệ khu vực.

Công viên phần mềm số 2 quy mô 3 ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng (hiện khối lượng thực hiện đạt hơn 350 tỉ đồng) nhằm xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trong nước, thay thế sản phẩm nhập khẩu, tạo môi trường làm việc tiêu chuẩn quốc tế, thu hút chất xám, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm CNTT. Khi đi vào hoạt động, công viên có môi trường và hạ tầng để thu hút vốn đầu tư, công nghệ trong lĩnh vực thành phố thông minh. Dự án còn thúc đẩy phát triển đa lĩnh vực viễn thông, tài chính, hải quan, hàng không, thương mại điện tử, đặc biệt là công nghệ sinh học trong nông nghiệp, môi trường, y tế, công nghiệp thực phẩm…

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (DITP), cho rằng Covid-19 còn kéo dài thì trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn TP.Đà Nẵng cần ưu tiên công nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và CNTT, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số. Bởi trong và hậu Covid, các ngành này ít biến động, có khả năng chống chịu và ổn định sản xuất kinh doanh, phù hợp với định hướng thích ứng trạng thái bình thường mới. “Như nhà máy Trung Nam EMS vừa ký đơn hàng sản xuất 6 tháng trị giá 200 tỉ đồng với đối tác Mỹ cho ra sản phẩm “made in Đà Nẵng”, nhà máy SMT sản xuất 1.000 máy tính bảng/ngày cho chương trình hỗ trợ học sinh nghèo học online”, ông Huy nói.

DITP cũng đang chạy đua tiến độ với Covid-19 để kịp bàn giao 2 nhà máy khu A2, 20 dây chuyển SMT cùng chuỗi cơ sở lưu trú, tiện ích cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Khu công nghệ cao và DITP. “DITP dự kiến lấp đầy các nhà máy, khu đất còn lại trong 2 năm đến cho khách hàng sản xuất các sản phẩm ứng dụng thành phố thông minh, đồng thời hoàn tất thủ tục đầu tư giai đoạn 2 sẽ khớp nối tổng thể các phân khu chức năng, tận dụng cơ hội hạ tầng để thuận tiện kêu gọi đầu tư”, ông Nguyễn Anh Huy nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.