|
Hiên ngang qua biên giới
Trước đó tôi có một thời gian dài trụ lại Tucson, một thành phố thuộc Mỹ gần biên giới với Mexico, nơi số dân nói tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn dân Mỹ, báo tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn báo tiếng Anh, đồ ăn Mexico nhiều hơn đồ ăn nhanh. Thế là đủ để bạn biết bang Arizona nói chung và Tucson nói riêng nhiều dân La tinh nhập cư đến thế nào. Tuyến đường nối liền Tucson và Nagoles - thành phố giáp biên giới phía Mexico luôn nhộn nhịp các loại xe buýt nhỏ chạy vòng vòng đón khách. Tôi được trịnh trọng đặt ngồi cạnh bác tài một tay lái xe một tay bốc khoai tây chiên nhai rau ráu. Ngồi đằng sau tôi là tập đoàn các bà các cô son phấn rực rỡ. Lọt thỏm ở giữa đám phù hoa ấy là một anh Mỹ trung niên rụt rè thổ lộ rằng anh muốn sang Mexico để hàn răng, tốn kém có gần một nửa so với nha sĩ ở Tucson mà chất lượng chẳng có chi là khác.
Xe cập bến. Tôi lui cui theo gót một bà cô tay xách nách mang tiến về phía cửa khẩu. Giữa lưng chừng đường đi có mấy anh cảnh sát đứng dựa lưng vào tường, bao nhiêu người đi qua tấp nập không hiểu nghĩ sao họ lại bất thần chặn hai cô bé cùng xe với tôi lại và đòi khám xét túi xách tay. Bà cô đi cùng tóm chặt tay nải kéo tôi đi xềnh xệch. Trong chớp mắt, chúng tôi đã vượt qua một hành lang dài nối thẳng đến đường cái nơi có hàng chục chiếc taxi nhao nhao đón khách. Bà cô buông tay tôi, chỉ vào một cái taxi rồi vội vàng quay đi luôn. Chút xíu sau, từ phía chéo của bức tường, tôi thấy hai cô bé bị chặn hỏi lại lúc nãy nhận lại từ bà cô đó hai tay nải lớn, leo lên xe mất hút. Thế là một thương vụ buôn bán biên giới đã hoàn thành.
|
Ngó xung quanh, tôi hết hồn nhận thấy mình đã thực sự đặt chân lên Mexico mà không ai xét hỏi, thậm chí không ai buồn đóng một cái dấu nhập cảnh vào hộ chiếu. Thế này thì toi! Cuống lên tôi quay vòng lại khu hành lang lớn nhưng đụng phải biển một chiều. Phía hành lang bên kia chỉ dành cho người muốn nhập cảnh Mỹ với một hàng dài chờ đến lượt, mặt ai cũng hầm hè hoặc ngáp dài ngao ngán. Tiến thoái lưỡng nan, tôi quyết định xông vào cái cửa duy nhất ngay giữa hai chiều nhập cảnh - xuất cảnh, rồi hiên ngang... trèo qua trước hàng trăm con mắt thất kinh của thiên hạ. Ngay lập tức, một ông cảnh sát bụng phệ bước tới. Tôi nhanh nhẩu giải thích bằng một mớ tiếng Tây Ban Nha hổ lốn trước khi trận lôi đình kịp diễn ra. Sau một hồi vòng vèo qua đủ phòng ban, chạy lên chạy xuống trả tiền với đóng dấu, hộ chiếu của tôi được cộp visa 6 tháng.
Chưa bao giờ tôi phải khổ sở đến thế khi nhập cảnh. Mãi sau này lên mạng mới phát hiện ra vô số khách du lịch cũng lâm vào thảm trạng nhập cảnh trái phép với số tiền phạt hàng trăm USD chỉ vì cảnh sát Mexico như thể là cố tình thả rông cửa khẩu.
Nhiệt tình quá đáng!
Chuyện ngang trái tiếp theo với cảnh sát Mexico xảy ra khi tôi thất thểu tìm xe buýt về nhà sau cả một ngày lang thang ở Kim tự tháp Mặt Trời (Teotihuacan). Một chú cảnh sát phương phi béo tốt thấy tôi ngơ ngác thì tiến lại hỏi han. Trong 15 phút chờ xe, chú đã kịp ngồi nhích gần tôi từ khoảng cách 1 mét rưỡi đến thành có hơn gang tay với ý định rõ ràng là muốn biến sự thân tình đến tận mức centimet. Chú cho tôi số di động, cho tôi địa chỉ, thề sống thề chết là đã có vợ rồi nhưng không yêu vợ nữa (!). Rồi chú nhiệt tình kêu tôi cố gắng chờ chú xong việc sẽ đánh xe đưa về tận nhà.
|
Sau vụ đó, tôi tin lời Alex - cậu bạn người Mexico cho tôi ở nhờ: “Ở nước cậu nếu có trục trặc thì cậu gọi cảnh sát đúng không? Ở Mexico thì khác nhé, đi đường thấy họ thì làm ơn chạy xa ra cho tớ nhờ!”.
Tối nào đi chơi về tôi cũng thấy Alex kiên nhẫn dạy mẹ mình tập vào Facebook với lại Twitter. Tôi lấy làm lạ hỏi tại sao một bà nội trợ chỉ đi làm có hai ngày mỗi tuần ở một khách sạn với công việc trang trí các bình hoa tươi lại phải cần đến Twitter. Alex không nói không rằng bật ti vi cho tôi xem bản tin thời sự mới nhất chi chít các hình ảnh tội phạm vãi đạn, đặt bom khắp Mexico City. Vấn đề là cảnh sát luôn là người đến sau, và Twitter luôn là người đến trước. Chỉ trong vòng 15 phút cả thành phố lớn hai mấy triệu dân có thể được thông báo tường tận về khả năng tội phạm tấn công ở đâu! Đúng là cùng một công cụ nhưng mỗi nơi lại có kiểu sử dụng riêng. Nếu mạng xã hội thúc đẩy quan hệ làm ăn kinh tế ở châu Âu, mở rộng dân chủ cho châu Á, tạo đà cách mạng cho Trung Đông..., thì ở Mexico, mạng xã hội giúp người dân thoát chết.
Lần chạm trán cuối cùng của tôi với cảnh sát Mexico diễn ra khá hoành tráng. Phải tự thú trước là tôi có lỗi, can tội ham chơi lỡ chuyến tàu cuối nên tôi đã quyết định ở lại thức đàn hát qua đêm cùng một nhóm các họa sĩ vỉa hè sau một lễ hội graffiti tưng bừng. Tệ cái là tôi đánh mất điện thoại nên không thể báo cho Alex biết, khiến cậu chàng điên lên vì lo. Sáng hôm sau tôi rụt rè ẩn cửa vào nhà và choáng váng thấy phòng khách chật cứng cảnh sát. Alex nhìn thấy tôi thì ngồi phịch xuống ghế, thở hắt ra, rồi đứng lên quát tháo om sòm cho hả giận. Tôi im re. Mười mấy anh cảnh sát đưa mắt nhìn tôi đúng một cái rồi quay lại... bắt tay chúc mừng Alex. Họ ký một vài cái giấy, gọi một vài cú điện thoại, vỗ vai nhau thân mật, rồi từng người một quay bước đi ngang qua tôi đang đứng trơ ra đó mà không hề có một tiếng chào, một cử chỉ xã giao, hệt như đi qua một cái cột điện.
|
Khi tiếng cánh cửa dưới tầng khép lại, tôi nhào đến bên cửa sổ và trố mắt nhìn một lô xe cảnh sát vẫn còn quay đèn lấp loáng đỗ thành hàng dưới hè phố. Tính cả số người đang tán phét quanh xe, chính quyền Mexico City đã điều tổng cộng 5 xe cảnh sát và gần hai chục nhân viên đến điểm điều tra, đó là chưa tính đến hàng chục cái bộ đàm đang lang thang quanh khu festival mà tối qua tôi ngủ lại. Riêng về đoạn này thì phải nói cách điều hành và trách nhiệm của cảnh sát nước họ quả nhiên là rất đáng ngưỡng mộ.
Nhưng chưa kịp mở mồm khen vụ này khi thấy các anh cảnh sát thật nhiệt tình chu đáo, cư xử nghiêm túc với các ladies (quý cô), thậm chí nghiêm túc hơi quá đà, Alex (mặt vẫn còn hầm hè) phẩy tay bảo: “Đừng có ngủ mơ! Khi cậu vừa ló mặt vào thì đã có một gã hỏi tớ cậu đã có bạn trai chưa. Tớ phải bảo ngay, bạn trai cô ấy đang đứng ngay trước mũi ông đây này!”.
Diễn viên Jack Nicholson có lần từng nói: "Trên đời chỉ có hai người mà đàn ông chúng ta phải nói dối: Người yêu và cảnh sát". Vế đầu đáng tội chết nhưng... tha, vế sau sai ở đâu chứ Mexico thì chắc là đúng.
Cảnh sát Mexico nổi tiếng đầu bảng về tham nhũng với hơn 100 triệu USD mỗi tháng tiền lót tay từ các băng đảng tội phạm. Năm 2011, toàn bộ lực lượng gồm gần 1.000 cảnh sát thành phố Veracruz bị sa thải vì nhúng tay quá sâu vào những phi vụ bắt cóc người nhập cư để đòi tiền chuộc. Chính quyền quyết định thay máu bằng cách điều lực lượng hải quân đến để bảo vệ thành phố thay vì dùng cảnh sát. Từ đó đến nay, tình hình chưa sáng sủa gì hơn. Tháng 5 vừa qua, hơn một nửa số cảnh sát ở miền bắc Mexico rớt thảm hại trong một đợt kiểm tra về sự trong sạch nghề nghiệp. |
Nguyễn Phương Mai
>> Khám phá bí ẩn xây kim tự tháp
>> Kim tự tháp cổ hơn Giza
>> Sẽ cấm mô hình bán hàng đa cấp kim tự tháp
>> Quần thể tiểu kim tự tháp ở Sudan
Bình luận (0)