Mới đây, công dân gửi câu hỏi tới Bộ Công an, đặt tình huống: khi thấy xe cứu thương phát tín hiệu yêu cầu nhường đường, nếu xe phía trước đang dừng chờ đèn đỏ và bắt buộc phải vượt mới có thể nhường đường, thì có bị phạt lỗi vượt đèn đỏ hay không?
Trả lời, Bộ Công an cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 22 luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong 5 loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông.
Khoản 3 điều này cũng quy định: khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên trên tuyến đường di chuyển, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Về việc xử phạt, khoản 1 điều 11 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tình thế cấp thiết có thể hiểu là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 6.6
Ngoài ra, điểm đ khoản 1 điều 3 luật này còn quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp cụ thể nêu trên, người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm "không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông" sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính.
Vẫn theo Bộ Công an, người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của người người điều khiển phương tiện có quyền chứng minh được việc không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông là trong trường hợp cấp thiết để nhường đường cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh.
Đồng thời, quá trình nhường đường, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Giải thích thêm, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng thiệt hại (nếu có) từ hành vi vượt đèn đỏ là nhỏ hơn so với thiệt hại (nếu có) từ việc xe cứu thương không được nhường đường và không kịp thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Vì thế, hành vi vượt đèn đỏ trong tình huống này dù là vi phạm nhưng được xem xét trong bối cảnh cấp thiết, nên không bị xử phạt.
Nhiều ý kiến băn khoăn, làm thế nào để người điều khiển phương tiện chứng minh mình vượt đèn đỏ là để nhường đường cho xe cứu thương chứ không phải vi phạm luật?
Theo luật sư Tâm, điều 3 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Nghĩa là, để có căn cứ xử lý vi phạm, ví dụ lỗi vượt đèn đỏ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xem xét các yếu tố về tổ chức giao thông, về làn đường, hướng đi của xe… rồi mới quyết định có lập biên bản vi phạm hay không.
Người điều khiển phương tiện có thể hoàn toàn yên tâm, rằng sẽ không bị "phạt oan", bởi nếu đúng vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương thì sẽ được cân nhắc khi xử lý, nhất là trong bối cảnh hình thức phạt nguội được triển khai ngày càng rộng rãi, hệ thống camera giám sát giao thông giúp ghi nhận lại sự việc đã xảy ra.
Bên cạnh đó, bản thân người điều khiển phương tiện cũng có thể tự chứng minh hành vi vượt đèn đỏ của mình là tình huống cấp thiết, ví dụ thông qua camera hành trình của xe mình hoặc phương tiện khác, đề nghị trích xuất camera giám sát giao thông…
Tuy nhiên, luật sư Tâm lưu ý việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương đồng thời phải đảm bảo phải đi đúng làn đường, phần đường, dừng đúng đèn tín hiệu, giữ an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác; không có nghĩa vì vượt đèn đỏ nhường đường cho xe ưu tiên mà không bị xử lý khi vi phạm các lỗi này.
Bình luận (0)