Trải nghiệm thực tế tại phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện… là điểm mới trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức năm nay, nhằm giúp phụ huynh và học sinh có những hình dung cụ thể về môi trường học tập, phương pháp học ĐH cũng như những môn học, sản phẩm của các ngành nghề.
TRẢI NGHIỆM CÙNG CON
6 giờ sáng 18.2, vợ chồng chị Nga, phụ huynh của Nguyễn Mai Phương (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) vừa đặt chân tới TP.HCM đã ngay lập tức lên xe di chuyển về Trường ĐH Việt Đức, nơi diễn ra chương trình tư vấn để tham gia hoạt động trải nghiệm cùng học sinh.
Chị Nga cho biết: "Việc chọn ngành, chọn trường của con thời điểm sắp tới là vô cùng quan trọng nên gia đình tôi rất quan tâm. Chúng tôi muốn đồng hành cùng con để đưa ra quyết định đúng đắn, chính vì vậy cả nhà đã quyết định vào TP.HCM và đến Trường ĐH Việt Đức để tìm hiểu ngành học kiến trúc cũng như cơ sở vật chất, ký túc xá của trường".
Sau khi tham quan một vòng các giảng đường, phòng thực hành, thí nghiệm…, chị Nga cho biết chuyến đi rất bổ ích và thú vị, giúp chị và con có cái nhìn cụ thể hơn về những thông tin mà trước đó chỉ tìm hiểu qua mạng.
Anh Nguyễn Cao Lợi (Q.Tân Bình, TP.HCM) là phụ huynh của Nguyễn Lan Anh, học Trường THPT Marie Curie, cũng dậy sớm tham gia chuyến đi vì muốn đến tận nơi tìm hiểu cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, học phí, bằng cấp… của trường. "Không chỉ đến trường này, tôi còn tham quan nhiều trường ĐH khác để có quyết định phù hợp nhất với năng lực, sở thích của con và hoàn cảnh của gia đình. Đi trực tiếp như thế này, chúng tôi có nhiều thông tin hơn so với ngồi ở nhà xem qua máy tính", anh Lợi cho hay.
"NHỮNG MÁY MÓC LẦN ĐẦU TIÊN được THẤY"
Theo chân giảng viên, cán bộ của Trường ĐH Việt Đức, phụ huynh và học sinh đến tham quan phòng thực hành của các ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật điện và máy tính… Những mô hình robot đấu nhau, robot điều khiển từ xa, hệ thống cầu quang, máy lắp đặt linh kiện, hệ thống cánh tay robot, hệ thống lập trình nhúng, viễn thông, đo lường, máy cắt laser, máy gia công… phục vụ cho các học phần thực hành cũng như sân chơi của sinh viên, đã khiến mọi người tò mò, thích thú.
Anh Hoàng Minh có con học Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM), đang định hướng cho con học ngành khoa học máy tính, thốt lên sau khi chứng kiến hoạt động của một máy cắt laser: "Những máy móc thiết bị này tôi chưa từng thấy cũng như chưa từng tìm hiểu. Đến xem mới biết là con mình nếu học ở đây thì sau này sẽ tiếp xúc và vận hành những thiết bị hiện đại như vậy".
Dù 2 con trai năm nay mới học lớp 9 và 10 nhưng vợ chồng anh Nguyễn Tiến Khoa (TP.HCM) cũng đưa 2 con tham gia chuyến trải nghiệm. "Gia đình định hướng nghề nghiệp cho con từ sớm để khi đến cuối cấp con không bối rối, bỡ ngỡ. Các con được trực tiếp gặp gỡ thầy cô, tham quan thực tế, giải đáp những thắc mắc về ngành nghề, cơ hội việc làm… nên rất thích thú. Từ đó các con sẽ có lựa chọn phù hợp và có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình".
Sau khi đeo cặp kính để tham quan các công trình xây dựng thông qua công nghệ thực tế ảo, Lê Hoàng Uyển Nhi, lớp 11 Trường THPT An Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, hào hứng chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp trải nghiệm một môi trường học tập với nhiều phòng ốc, máy móc thiết bị như vậy. Tất cả đều rất chân thật và hứng thú. Em cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều".
Thạc sĩ Trần Quang Nhu, giảng viên ngành kỹ thuật điện và máy tính, Khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, người trực tiếp hướng dẫn cơ chế vận hành của nhiều máy móc thiết bị, chia sẻ: "Thấy phụ huynh và học sinh chăm chú lắng nghe, quan tâm, đặt câu hỏi, tôi cảm thấy rất vui. Chắc chắn sau chuyến tham quan, các em sẽ nắm bắt được phần nào nội dung các ngành học để biết được mình yêu thích và phù hợp với ngành nào hơn, từ đó có lựa chọn chính xác".
Bình luận (0)