Dịch Covid-19 tấn công làng quê hẻo Lánh
Khi đại dịch Covid-19 ập đến từ đầu năm 2020, bạn bè tôi, họ hàng tôi ở những thành phố lớn vẫn ước ao rằng về Krông Bông tránh dịch, về tắm mát trên dòng thác Đăk Tuar gột rửa mọi âu lo phiền muộn, không sợ dịch bệnh cũng chẳng lo nghèo đói, mất việc hay cả ngàn nỗi lo không tên khác khi ở thành phố.
Ngày 28.10: Cả nước 4.892 ca Covid-19, 1.649 ca khỏi | TP.HCM 1.069 ca |
Quê tôi trước giờ nghèo nhưng yên ả. Từng mái nhà sàn ngày đêm đỏ lửa sáng đèn. Những ngày đầu khi dịch Covid-19 vừa đến, mọi người cũng hoang mang, cũng lo sợ nhưng cũng chủ quan nghĩ rằng quê mình xa xôi hẻo lánh như thế, nghèo nàn thưa dân như thế thì Covid-19 khó có cơ hội tấn công. Nhưng ai biết đâu trận chiến này quá dài, quá cam go và áp lực, khi nguồn kiếm sống chính của dân tôi chỉ trông chờ vào những mặt hàng nông sản, đến thời vụ mới được thu hoạch; tới khi Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, cà phê mất giá, dứa chín vàng rực cả mọi góc vườn mà chẳng có người thu mua.
Thu nhập một năm của cả gia đình chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn cùng những đứa con đang tuổi đi học. Bế tắc, nhiều nhà chọn bỏ vườn xuống Bình Dương, TP.HCM kiếm sống. Đến khi những thành phố phồn hoa đô hội ấy “thất thủ” vì dịch, họ lại chọn cách quay về quê tránh dịch bệnh bởi không đâu bằng nhà mình; tiền kiếm không ra thì cũng không cần trả tiền trọ, tiền nước, ra vườn có rau ăn rau, ra ao câu cá ăn cá. Cuộc sống cứ như thế chẳng phải sẽ mãi bình yên sao!
Dân quân địa phương không quản ngày đêm canh chừng chốt chặn kiểm soát dịch bệnh |
N.T.H |
Buổi chiều 25.7.2021, khi đang ngẩn ngơ thả hồn vào Facebook, tim tôi giật thon thót bởi những cụm từ “toang” hay “thất thủ”. Dân tình ồn ào sục sôi bởi thông tin quê tôi có 2 ca nhiễm bệnh do mới ở vùng dịch Bình Dương trở về. Tin xấu chưa dừng lại, bởi qua thăm khám xét nghiệm phát hiện thêm 15 ca dương tính nữa trong cùng một buôn. Gì chứ thông tin đó chẳng khác nào sét đánh ngang tai, bởi người dân quê vốn thật thà chân chất, ai đi xa về chẳng có tí quà viếng thăm nhà hàng xóm, làng trên xóm dưới nhà nào chả quen, chả thân.
Một xóm nhỏ bé mà mười mấy ca nhiễm bệnh, chưa kể những ca còn chưa truy vết trong cộng đồng, rồi ai cũng có nguy cơ trở thành F2, F1. Ánh mắt ai cũng thất thần bởi bóng ma Covid-19 lơ lửng ngay trên đầu, chưa bao giờ tôi thấy quê mình rệu rã, khủng hoảng và đáng thương đến như thế.
Có khoảnh khắc nào đó tôi chợt thấy tim mình se sắt lại khi chứng kiến em bé 8 tuổi người Ê đê gầy còm, nhỏ thó trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình quét đất, tay khoác bịch ni lông chỉ để vừa vài bộ quần áo, xiêu xiêu vẹo vẹo bước lên xe cứu thương, một mình, không người thân thích. Trước đó, cả gia đình nhiễm bệnh đã được đưa lên trên tỉnh chạy chữa, còn lại mình em 2 ngày sau cũng phát hiện dương tính phải vào viện. Trận chiến này có lẽ là trận chiến quá dài, đến quá sớm và quá đáng sợ đối với em. Nhìn hình ảnh em, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi nghĩ đến con mình cũng trạc tầm tuổi như thế. Tôi lo lắng con mình, người thân mình cũng sẽ lao đao khổ sở như thế. Mà chắc hẳn không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều người khác nữa trên dải đất chữ S thân thương này cùng chung nỗi lo, cùng nỗi đau như thế. Người xưa nói rằng “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chẳng sai tí nào, nếu có ai đó nói rằng sai đi nữa thì có lẽ nó cũng chẳng sai ở thời điểm như thế này.
Tất cả lực lượng cùng chống dịch
Lúc ban đầu dịch đến, dân quê tôi ai cũng hốt hoảng sợ sệt, bất bình trách móc. Trách móc bởi sự chủ quan thiếu hiểu biết, ở vùng dịch về mà không chịu cách ly cho tử tế đàng hoàng. Một hai ngày đầu lướt đâu đâu cũng thấy những lời lẽ phẫn nộ, nhưng đến ngày thứ 3 thứ 4 lại thấy ấm lòng bởi những hành động quá đỗi thiết thực vì cộng đồng.
Y, bác sĩ được điều động về lấy mẫu xét nghiệm |
Chợt nhớ có người từng nói với tôi: “Khi trong nhà có người thân mất, đau lắm, buồn lắm nhưng mà khóc ít thôi. Lấy sức đấy mà lo chu toàn cho người mất, bởi có khóc có đau buồn cũng chẳng thay đổi được việc người chết đã chết rồi”.
Đúng vậy! Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, dân tôi rồi ai cũng thấu hiểu việc trách móc chẳng thể làm mọi chuyện bình an trở lại. Phải vực dậy, phải đứng lên dùng hành động của chính bản thân cùng cộng đồng mới đẩy lùi được hiểm nguy cùng sợ hãi.
Hàng chục chốt chặn lập ra trong đêm kiểm soát người ra người vào. Cán bộ, y bác sĩ được điều động về thức trắng đêm khoanh vùng, tiếp cận và lấy mẫu xét nghiệm. Xe cứu thương hú còi ồn ã xé tan đêm dài tĩnh mịch. Dân quân địa phương không quản ngày đêm canh chừng chốt chặn, Hội phụ nữ xã cùng các tình nguyện viên đứng ra quyên góp lương thực thực phẩm, nấu cơm đưa đến những gia đình bị cách ly cùng những chốt kiểm dịch.
Chưa bao giờ tinh thần tương thân tương ái ở quê tôi được đề cao đến mức ấy. Nhà có rau góp rau, có gạo góp gạo, có thịt cá góp thịt cá, người ngoài chốt hỗ trợ người trong chốt với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ những ngày còn chưa có Chỉ thị 16, mọi người đã rất tự giác nhà nào ở nhà đó, không ai ra đường khi không thật sự cần thiết nên đường xá vắng tanh cứ như sáng mùng 1 tết. Buồn thật đó, hiu quạnh thật đó nhưng với niềm tin ngày mai buôn làng cùng Tổ quốc chiến thắng đại dịch, không có khó khăn, gian khổ nào mà chúng ta không thể vượt qua.
Đất Tây nguyên tháng 7, gió tây càn quét mọi thứ đến khô rang. Ở không trong nhà thôi mà lúc nào cũng thấy đầu óc nặng nề khó chịu. Càng thấm thía sự biết ơn những chiến sĩ áo trắng, áo xanh, những người ngày đêm không quản ngại khó khăn vất vả đứng tuyến đầu chống dịch; người xa chồng xa vợ, quay quắt nỗi nhớ con; người đau khổ bất lực khi đấng sinh thành lìa xa trần thế, bản thân trong tâm dịch không thể trở về quỳ gối thắp nén nhang thơm làm tròn đạo hiếu...
Sự biết ơn với những hy sinh cao cả đó, có lẽ chẳng có ngôn từ nào diễn tả hết được. Trong thâm tâm luôn vững tin rằng quê hương, đất nước chắc chắn sẽ bình an, chiến thắng đại dịch.
Cuộc thi Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch ngưng nhận bài vào 31.10.2021
Sau quá trình nỗ lực, tập trung dốc sức cho công tác phòng chống Covid-19 của Chính phủ, các cấp chính quyền và sự cộng hưởng tích cực của cả cộng đồng, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các địa phương dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Để tập trung phản ánh công tác khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Báo Thanh Niên trân trọng thông báo cuộc thi Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch sẽ ngưng nhận bài dự thi vào ngày 31.10.2021 (tính theo dấu bưu điện và thời gian hiển thị trên email cuộc thi vuotquacovid-19@thanhnien.vn). Những bài viết dự thi theo đúng tiêu chí, đảm bảo chất lượng sẽ được Thanh Niên chọn lọc, đăng tải trên các kênh Thanh Niên nhật báo và Thanh Niên điện tử đến hết ngày 5.11.2021. Sau đó, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức chấm sơ khảo, phúc khảo và công bố kết quả cuộc thi Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch; đồng thời chuẩn bị cho lễ tổng kết, trao giải toàn bộ cuộc thi, dự kiến vào cuối tháng 11.2021.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của quý bạn đọc đã đồng hành, theo dõi, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Thanh Niên; đồng thời mong muốn tiếp tục đón nhận tình cảm quý báu này trong thời gian tới.
Thanh Niên
Bình luận (0)