Vượt qua khó khăn năm nhất

Lê Thanh
Lê Thanh
01/05/2018 20:34 GMT+7

Trong những tháng đầu học đại học, sinh viên xa nhà dễ cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ giữa một môi trường xa lạ, thậm chí là muốn bỏ cuộc ngay khi hành trình vừa bắt đầu.

Vậy sinh viên (SV) làm gì vượt qua gia đoạn khó khăn này để yên tâm cho hành trình học tập với nhiều trải nghiệm thú vị của quãng đời phía trước.
Chủ động giao lưu với nhiều bạn bè
Từ môi trường học phổ thông chuyển sang môi trường ĐH lúc đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách xoay sở thì sẽ sớm hòa nhập với môi trường mới.
Nguyễn Thị Minh Thùy (quê Quảng Ngãi), SV năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Lần đầu tiên sống xa nhà, phải tự lập nên lúc đó mình bị sốc và hụt hẫng dữ lắm. Mới lên thành phố học được mấy ngày đã muốn về quê vì nhớ ba mẹ nhưng cứ như thế thì không thể nào học hành được gì cả. Sau khi nghe lời khuyên của các anh chị sinh viên đi trước, mình bắt đầu tham gia vào các câu lạc bộ ở trường, các lớp kỹ năng và được tiếp xúc, giao lưu với nhiều bạn bè nên đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới”.
Theo TS tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên VN), việc thay đổi môi trường sống, học tập sẽ tạo ra sự những biến động về mặt tâm lý, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc. “Một khi con người đã có những biến động trong tâm hồn mình thì tất cả mọi thứ đều bị ảnh hưởng từ nhận thức cho tới hành động. Với tân SV, nhất là những bạn phải thay đổi không gian sinh sống từ nhà ra phố, từ gia đình ra nhà trọ, ký túc xá... sẽ là một thử thách cho quá trình thích nghi. Song song đó là sự thay đổi về môi trường học tập từ nội dung đến phương pháp, tất cả mọi thứ có lẽ quá mới mẻ với các bạn”, TS Nguyễn Hữu Long nói.
Để SV có thể thích nghi và ứng phó với những khó khăn trong thời gian đầu bước vào ngưỡng cửa tự lập, TS Nguyễn Hữu Long, khuyên: “Thứ nhất, SV cố gắng nhớ rằng mọi thứ lúc nào khởi đầu cũng khó khăn nhưng dần dần sẽ thay đổi chỉ sau một thời gian ngắn. Thứ hai, nếu trước đây môi trường học tập ở THPT các bạn ít có cơ hội chủ động thì lên bậc đại học các thầy cô cho bạn nhiều cơ hội hơn. Hãy nghĩ đây là cơ hội để bạn phát huy tính tự chủ của mình. Thứ ba, khi ở nhà mọi việc có ba mẹ lo lắng, chăm sóc, bạn chỉ biết học thì khi ở trọ hay ký túc xá bạn lại có cơ hội tự lập, hãy lấy đó làm thước đo, tiêu chí đánh giá chính bản thân mình. Thứ tư, việc học xa nhà cũng là minh chứng hữu hiệu cho sự trưởng thành của bạn. Một khi bạn tự tổ chức được cuộc sống cho chính mình cũng là lúc gia đình sẽ bớt lo lắng cho bạn và tin rằng bạn đã lớn thật sự. Thứ 5, học trung cấp, cao đẳng, đại học là học để hành nghề tương lai nên các bạn hãy nghĩ xa và rộng hơn để chính suy nghĩ đó sẽ là động lực giúp bạn vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu xa nhà và tiếp cận với môi trường mới”.
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Long, để thích nghi với môi trường mới SV nên cố gắng giữ liên hệ với gia đình, người thân (gọi điện thoại, tranh thủ cuối tuần về thăm nhà) trong những tháng đầu đi học để cảm thấy bớt cô đơn, hạn chế những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Tranh thủ thời gian nghỉ đi ngắm phố phường, đi nhà sách. Lên trường nên tiếp chuyện với mọi người hay tham gia các hoạt động tập thể,... sẽ giúp các bạn dễ hòa mình với mọi người và là biện pháp hữu hiệu cho việc thích nghi.
Trang bị kỹ năng mềm
Áp lực, chán nản… là những biểu hiện thường thấy ở tân SV. Vì vậy, SV hãy học cách đối mặt và tự giải quyết với những khó khăn. Theo anh Dương Trọng Phúc, Phó giám đốc Nhà văn hóa SV TP.HCM, muốn hòa nhập với cuộc sống mới, sống tự lập, tự tin khám phá môi trường mới thì SV cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức và phương pháp cần thiết để ứng dụng vào trong cuộc sống và học tập.
“Nhà văn hóa SV TP.HCM triển khai chương trình Hành trang cuộc sống dành cho tân SV. Không những thế, tại đây còn có những lớp đào tạo kỹ năng miễn phí diễn ra thường xuyên như: kỹ năng làm việc nhóm - quản lý nhóm, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng học Anh văn hiệu quả, kỹ năng thích ứng với cuộc sống cá nhân, kỹ năng học tập hiệu quả trong môi trường đại học…”, anh Phúc thông tin.
Nếu các bạn muốn giải trí thì tại Nhà văn hóa SV cũng có nhiều lớp năng khiếu như: nhảy hiện đại, võ tự vệ, khiêu vũ, đàn, thanh nhạc, thể dục thẩm mỹ… với mức học phí chỉ mang tính tượng trưng. “Nói chung ở đây có rất nhiều sân chơi và cuộc thi phù hợp cho tất cả SV để các bạn có thể tham gia tùy khả năng, sở thích, sở trường của mình”, anh Phúc cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.