Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), tôi về công tác tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ. Dịch Covid-19 bùng phát ở Bình Dương, là một bác sĩ trẻ (28 tuổi), tôi được điều chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 (H.Bàu Bàng, Bình Dương). Chưa đầy một tháng, tôi lại được chuyển về Trung tâm Y tế (TTYT) TX.Tân Uyên để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
"Bác sĩ ơi, mẹ tôi không dậy được rồi”
Còn nhớ vào cuối tháng 8.2021, một bệnh nhân 88 tuổi ở P.Khánh Bình (TX.Tân Uyên) mắc Covid-19 được đưa đến TTYT TX.Tân Uyên để điều trị cùng hàng trăm bệnh nhân khác. Trước đó, bệnh nhân có bệnh nền, được điều trị tại nhà rồi bị suy hô hấp, sau đó được nhân viên y tế chuyển đến TTYT TX.Tân Uyên để điều trị. Trong lúc đó, tại trung tâm đang có 200 bệnh nhân mà chỉ có 5 bác sĩ, trong đó có tôi là chính trong chuyên môn hồi sức cấp cứu.
Lúc đó, chúng tôi đang trực chiến, xe cấp cứu hú những hồi còi dài nối đuôi nhau đưa bệnh nhân đến. Chúng tôi được thông báo là bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong. Ngay sau đó, chúng tôi tập trung hết các bác sĩ lại rồi đưa bệnh nhân từ xe cấp cứu vào trong. Việc đầu tiên chúng tôi làm là đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Bệnh nhân lơ mơ, huyết áp khó đo, nồng độ ô xy trong máu (SpO2) giảm còn 60%..., nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Phan Bá Lâm (bên trái) và bệnh nhân 88 tuổi lúc được xuất viện |
NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Nhận định tình trạng bệnh nhân hết sức hiểm nghèo, tôi quyết định đưa vào cấp cứu cho thở ô xy nồng độ cao và lưu lượng lớn. Đồng thời, chúng tôi cho hồi sức, ổn định đường huyết, chuyển bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực. Sau đó, tình hình của bệnh nhân dần chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thuốc ổn định đường huyết, khoảng 1 tuần sau bệnh nhân vẫn chưa hết Covid-19.
Mặc dù tình hình có ổn định hơn, nhưng bệnh nhân ăn ít, bị hạ đường huyết và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Khoảng hơn 19 giờ vào một ngày đầu tháng 9.2021, lúc đó chúng tôi vẫn đang trực 24/24 tại bệnh viện, người nhà hốt hoảng gọi qua bộ đàm: “Bác sĩ ơi, qua coi mẹ tôi, mẹ tôi không dậy được rồi”.
Thật sự thời điểm này kíp trực của các bác sĩ chúng tôi chưa thể ăn cơm. Chúng tôi cứ làm, khi nào đói mệt thì ăn chứ không có giờ giấc gì cả. Thế là chúng tôi lại chạy vào phòng cấp cứu bệnh nhân. Lúc đó, chúng tôi lại một lần nữa quyết định hồi sức cho bệnh nhân bằng đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tiêm, truyền các loại thuốc hồi sức tích cực…
Sau 4 tiếng hồi sức tích cực, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân mới bắt đầu hồi phục. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi nhịp tim, nồng độ ô xy trong máu, huyết áp của bệnh nhân liên tục qua màn hình camera. Trong suốt thời gian (5 ngày, tính từ lúc bệnh nhân hôn mê), chúng tôi phải đặt ống thông dạ dày, đặt ống “nuôi ăn” trực tiếp vào trong dạ dày để bơm sữa dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường để nuôi bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Bá Lâm |
NVCC |
Trong hoàn cảnh này, việc tiêu tiểu của bệnh nhân cũng là vấn đề hết sức nan giải. Chúng tôi sử dụng bỉm và ống thông bàng quang, thông tiểu cho bệnh nhân, và hằng ngày có nhân viên y tế luân phiên vào thu dọn vệ sinh. Thêm khoảng 2 ngày sau, bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại dần và có thể nói chuyện được.
Khi các chỉ số dấu hiệu sinh tồn bắt đầu ổn định, chúng tôi tiến hành hội chẩn và đưa bệnh nhân ra buồng ngoài để tiếp tục điều trị. Lúc này, bệnh nhân vẫn dương tính Covid-19, nhưng chỉ số sinh tồn cao dần. Thêm 1 tuần nữa điều trị ở buồng ngoài của Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân bắt đầu ăn uống được, không phải sử dụng bình ô xy. Trong khoảng 1 tuần sau đó thì chúng tôi cho bệnh nhân xuất viện, tự cách ly, điều trị tại nhà…
Kiên cường bên nhau
Sau khi bệnh nhân 88 tuổi ở P.Khánh Bình trở về nhà, người nhà liên hệ với chúng tôi thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân rất tốt và nói lời cảm ơn. Nhưng thật sự lúc đó chúng tôi vẫn đang rất bận rộn với những bệnh nhân khác, và chỉ biết rằng bệnh nhân vượt qua khỏi cái chết và phục hồi được là chúng tôi vui rồi.
Hiện giờ, tôi được phân công làm nhiệm vụ Trưởng khu điều trị Covid-19 của TTYT TX.Tân Uyên. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, chúng tôi đã điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân Covid-19 nặng (135 ca tử vong). Trước đây, trung tâm chỉ có khoảng 50 giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng cần phải hồi sức, còn lại chúng tôi phải sử dụng giường dã chiến của quân đội.
Lúc cao điểm tại Khoa Hồi sức cấp cứu có đến 280 bệnh nhân. Có những ngày có 5 - 6 ca tử vong. Chúng tôi chỉ biết dồn tất cả mọi sức lực để cứu bệnh nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thời điểm tháng 9 - 10.2021, chúng tôi được y bác sĩ ở các tỉnh, thành bạn chi viện; và TTYT TX.Tân Uyên được tăng cường tổng cộng khoảng 50 người, bao gồm cả y bác sĩ, nhân viên y tế. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết vì trong khoảng 50 người điều trị cho bệnh nhân, thì chúng tôi có trên 30 người bị nhiễm Covid-19.
Lúc đó, chúng tôi phải vào trong khu điều trị ăn, ở cùng với các bệnh nhân, vừa tự điều trị cho mình, vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Điều làm chúng tôi vui và hạnh phúc nhất, là có rất nhiều bệnh nhân khi vào khu điều trị đều xác định là... chết nhưng cuối cùng họ vượt qua được và xuất viện trở về đoàn tụ với gia đình.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Trung tâm y tế TX.Tân Uyên |
N.V.C.C. |
Thời điểm hơn 30 y bác sĩ, nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19, đối với chúng tôi cũng vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, tình hình Covid-19 ở Bình Dương đang ở đỉnh dịch với trên 150.000 ca Covid-19. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, TTYT đều quá tải. Tất cả chúng tôi đều không có một phút nghỉ ngơi.
Khi các y bác sĩ bị nhiễm Covid-19 tăng cao mà không có người thay thế, đối với chúng tôi là vô cùng khó khăn. Ngoài việc các y, bác sĩ, nhân viên y tế phải vào điều trị chung, nằm chung phòng với các bệnh nhân Covid-19, chúng tôi còn phải phân công điều trị cho các bệnh nhân ở phía bên ngoài khu bệnh nặng. Các y bác sĩ mắc Covid-19, bị sốt cao, ho, mất vị giác, khứu giác đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe, tuy chưa phải sử dụng bình ô xy để thở.
Các y bác sĩ bị nhiễm Covid-19 vẫn quyết tâm cùng với các bệnh nhân đang điều trị ở TTYT vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, nhất là để giúp đỡ những bệnh nhân nặng hơn. Tôi nhớ nhất là trong số các y bác sĩ ở TTYT bị mắc Covid-19, có nữ bác sĩ tên Ngọc ở trung tâm bị tái nhiễm đến 2 lần. Sau lần đầu điều trị khỏi, chị vẫn kiên trì bám trụ ở lại cùng với tập thể chúng tôi để chữa trị cho bệnh nhân. Được khoảng hơn 1 tháng, khi tái nhiễm lần thứ hai, chị lại tình nguyện vào khu chữa trị cho bệnh nhân để cùng ở, cùng điều trị, vừa điều trị cho mình vừa chăm sóc bệnh nhân khác.
Sau khi được xuất viện, tưởng rằng bác sĩ Ngọc sẽ nghỉ ngơi một thời gian để lấy lại sức khỏe. Nhưng không, chị vẫn lại tiếp tục công tác tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 cho đến nay.
Bình luận (0)