Vượt Singapore và Malaysia, quy mô kinh tế Việt Nam vào top 4 ASEAN

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/10/2020 06:36 GMT+7

Nhờ tăng trưởng dương trong bối cảnh Covid-19, quy mô nền kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2020 được IMF ước tính đạt trên 340 tỉ USD, vượt Singapore và Malaysia, đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

Đó là một trong nhiều thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo tại họp báo Chính phủ diễn ra cuối chiều qua, 30.10, ngay sau khi Chính phủ kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 10 diễn ra cùng ngày.

Xuất siêu kỷ lục

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nội dung chính của cuộc họp Chính phủ là bàn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng qua đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%).
Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, trong khi sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp đà khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo, với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng 18,4% so với tháng trước cùng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 10,4% so với cùng kỳ...
Đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy thương mại quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt hơn 439 tỉ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỉ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỉ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỉ USD nhờ công lớn đóng góp của 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỉ USD.
Đặc biệt, ông Dũng thông tin, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong Asean với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỉ USD, vượt Singapore (337,5 tỉ USD), Malaysia (336,3 tỉ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

Khơi thông luồng vốn

Dù vậy, ông Dũng cho hay Chính phủ nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất cùng với khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
“Thủ tướng yêu cầu càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm hơn nữa. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung”, ông Dũng nói, và thông tin thêm Chính phủ xác định các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm gồm có chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó là các giải pháp khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại như EVFTA mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử.

Sạt lở đất xảy ra ở vùng vốn ổn định, không có trong cảnh báo

Tại buổi họp báo, vấn đề được báo chí quan tâm nhất là công tác dự báo và những nguyên nhân khiến thiên tai, bão lũ liên tiếp ập xuống miền Trung. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay hiện nay sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. “Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm kiểm lâm 67, Đoàn kinh tế 337, hay mới nhất là ở Nam Trà My, đều là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong cảnh báo”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, hiện nay chúng ta có hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở của chúng ta tỷ lệ 1/50.000, trong khi muốn triển khai được chỉ đạo, di dời trong thực tế thì cần tối thiểu là bản đồ tỷ lệ 1/10.000. “Và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ 1/500. Với bản đồ 1/50.000, nếu triển khai theo bản đồ này để cảnh báo thực tế thì chúng ta một lúc phải di chuyển vài xã, điều này không thể làm nổi”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, với bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở tỷ lệ 1/20.000 hoặc 1/50.000 thì xã chỉ là một chấm nhỏ. Vấn đề là phải đưa về tỷ lệ 1/500, và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để lập bản đồ cảnh báo sạt lở ở tỷ lệ này về 1/500, khi đó chúng ta mới quản lý được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.