Vượt sóng gió, đón thời cơ mới

30/01/2023 16:34 GMT+7

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng hơn 8,02%, là một con số khá ấn tượng trong khu vực và thế giới. Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, đặc biệt trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô…

Tuy nhiên, xét về giá trị thực tế tuyệt đối, con số GDP cán mốc 409 tỉ USD trong năm qua của Việt Nam so với các nước phát triển và đang phát triển thì còn mỏng và yếu. Tăng trưởng chủ yếu do vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư công vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thế giới. 

Điều đó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn phía sau, bởi thực tế đã chỉ rõ sản phẩm quốc nội xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng công nghiệp do các nhà đầu tư FDI chiếm vị thế chủ đạo để tạo tăng trưởng dương. Mặt hàng của Việt Nam chỉ là tự cung, tự tiêu và xuất khẩu nông sản phẩm, thuỷ sản với thặng dư thương mại thấp, lợi tức thu về không cao như kỳ vọng.

Vượt sóng gió, đón thời cơ mới - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

B.N.L

Năm 2023, các tổ chức đánh giá có tín nhiệm trên thế giới đều dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt mức 1,7%, nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Để đạt chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt là GDP tăng 6,5% và lạm phát dưới 4% là một bài toán đầy khó khăn, thách thức. Để đạt được chỉ tiêu này, chúng ta cần nhất quán, xuyên suốt với tiêu chí lấy người dân làm trọng tâm, lấy doanh nghiệp làm nền tảng. Tham vấn họ các kế sách phát triển kinh tế bởi họ là người trực tiếp đầu tư bằng vốn cá nhân hoặc thụ hưởng nguồn vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Họ có trách nhiệm hoàn trả vốn vay nên mọi ý kiến và phản biện của họ sẽ chính xác nhất, hợp lý nhất.

Hai là, xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống luật pháp phù hợp với thế giới và lấy hình mẫu của các nước phát triển. Quốc hội là cơ quan xây dựng luật pháp, là nơi hội tụ những thành viên hiểu biết về luật, học về luật không chỉ luật trong nước mà còn luật quốc tế, là những người không bị ràng buộc bởi các lợi ích của các bộ, ngành trong cơ quan hành pháp. Từ đó họ mới chuyên sâu, chuyên tâm xây dựng luật có hồn cốt để các cơ quan hành pháp và cộng đồng xã hội thực thi. Luật được ban hành sẽ đúng, trúng và chuẩn, trong luật luôn có dung sai cho phép bởi luật do con người làm ra và luật là hồn cốt của người dân. Lúc ấy luật mới mang hơi thở của cuộc sống, mới có giá trị lâu bền nhiều năm sau không cần thiết phải thay đổi, điều chỉnh và bổ sung.

Ba là, cần rà soát lại các quy định của pháp luật và các nghị quyết đã ban hành có hiệu lực thực thi và các văn bản hướng dẫn triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế chưa được thông thoáng, còn nhiều câu từ khó hiểu, khó thực hiện. Chúng ta điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế để thuận lợi cho việc quản lý và triển khai. Điều đặc biệt quan trọng là hạn chế tối đa hình sự hoá các quan hệ dân sự và không hồi tố các văn bản pháp luật đã ban hành thời gian trước để áp dụng cho thời gian sau sẽ gây khó khăn cho người thi hành công vụ và các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Bốn là, làm trong sạch, minh bạch thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản. Việc làm trong sạch, minh bạch các lĩnh vực đầu tư công - tư của Việt Nam là điều tiên quyết và cần phải làm cho dù thời điểm này đã là chậm so với diễn biến của thực tế. Trong đất nước đang phát triển thì thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là then chốt để huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay phát triển các lĩnh vực trọng tâm của quốc gia.

Năm là, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với bức tranh rất tối của thế giới và phải đặt ra trong ngắn hạn và trung hạn kinh tế thế giới sẽ lâm vào đại khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn thời kỳ năm 2010. Từ đó, các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chính sách và đối pháp biết người, biết mình cho phù hợp. Tôi tin tưởng rằng khi chúng ta làm tốt chính sách, công tác dự báo và hoạch định được các mục đích cốt lõi có đủ khả năng đạt được mới là điều tiên quyết để bình ổn xã hội và lấy lại niềm tin trong cộng đồng xã hội và doanh nhân, doanh nghiệp.

Sáu là, nhiều tổ chức cá nhân có liên quan đã và đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật làm lợi cho bản thân nên bị truy tố hàng loại dẫn tới không ít vị công chức, các vị có trách nhiệm mắc bệnh "sợ trách nhiệm" nên án binh bất động để yên thân hoặc không có cơ hội kiếm chác nên không làm… Vì vậy Đảng, Nhà nước cần thiết phải loại bỏ, thay vào đó là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã phát biểu và chỉ đạo "thà ít mà tốt". Muốn đất nước phát triển thì điều quan trọng nhất là yếu tố con người, cần phải có hệ thống tập thể con người làm việc trơn tru, mượt mà, đúng pháp luật thì mới đạt đưuọc hiệu quả như kỳ vọng.

Bẩy là, Nhà nước chỉ cần ban hành luật và chính sách tốt phù hợp với thực tế trong nước và thế giới và thực thi, xử lý các vi phạm minh bạch, rõ ràng, đúng, trúng và chuẩn. Không cần thành lập các công ty, tập đoàn do nhà nước quản lý, vì sẽ làm méo mó thị trường (trừ những doanh nghiệp công ích). Hãy cởi trói để cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họ tự biết phải làm thế nào để tạo ra sản phẩm tốt, tạo ra việc làm cho người lao động và nộp các loại thuế, phí theo qui định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.