Vượt Thái Bình Dương trên bè luồng Việt

Ngọc Minh
Ngọc Minh
19/02/2018 08:02 GMT+7

25 năm trước, Lương Viết Lợi là người Việt Nam duy nhất tham gia chuyến hải trình 5.500 dặm (hơn 8.800 km) vượt Thái Bình Dương trên chiếc bè luồng cùng nhà thám hiểm lừng danh Tim Severin (người Ireland). Đó là một câu chuyện ly kỳ.

Tôi tìm đến nhà ông Lương Viết Lợi ở khu phố Sơn Hải (phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) vào ngày chớm đông khi gió mùa đông bắc tràn về. Ở tuổi 58, trông ông vẫn còn cường tráng lắm. Ông dẫn tôi ra bãi biển Sầm Sơn, nơi cách đây ngót 25 năm, ông đã cùng những người thợ địa phương kết chiếc bè luồng để cùng đoàn thám hiểm của Tim Severin vượt Thái Bình Dương. Hồi ức trong ông bỗng ùa về…
Lọt vào mắt xanh nhà thám hiểm
Đó là năm 1992. Sau những nghiên cứu về phương thức đi biển của ngư dân ven hai bờ Thái Bình Dương, Tim Severin đã quyết định đến Sầm Sơn tìm hiểu về chiếc bè luồng của ngư dân nơi đây. Để chắc chắn chiếc bè có thể chịu đựng sóng gió đại dương, Tim thuê những người thợ địa phương đóng một chiếc thử nghiệm.
Ông Lợi khi ấy mới 33 tuổi, đang làm thợ mộc ở Sầm Sơn, đã tham gia đóng bè. Là người ưa mạo hiểm, nên trong quá trình làm bè và cho bè chạy thử, ông Lợi thầm ước mình sẽ được tham gia trên chuyến bè vượt Thái Bình Dương.
Trong lúc đó, Tim cũng đang âm thầm tìm kiếm một thủy thủ người Việt cho chuyến hải hành này. Và Tim nhận ra ông Lợi chính là người thợ, người đi biển tuyệt vời mà ông cần. “Người thợ mộc khoảng 30 tuổi này vỗ ngực mình, chỉ vào tôi rồi chỉ về phía chân trời, ra hiệu rằng anh ta muốn tham gia chuyến du hành. Người thợ mộc đó tên là Lợi”, Tim viết trong cuốn sách Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương.
Vượt Thái Bình Dương trên bè luồng Việt 1
Ông Lợi (bìa phải) cùng các thành viên trong đoàn thám hiểm khi cách bờ biển Nhật Bản 1.500 dặm Ảnh: nhân vật cung cấp
Vượt đại dương
Ông Lợi nhớ lại, tháng 9.1992, Tim cùng một số thành viên trong đoàn thám hiểm quay lại Sầm Sơn. “Lúc ấy, người ta chở khoảng 500 cây luồng lớn từ huyện Quan Hóa về biển Sầm Sơn, chúng tôi đã lựa chọn được 320 cây to, chắc để làm bè. Để chống mối mọt, chúng tôi bào sạch lớp vỏ bên ngoài, ngâm với nước lá xoan và nước vôi. Sau đó, dùng sơn quét lên cây luồng để chống rêu, chống thấm khi vượt biển...”, ông Lợi kể.
Sau nhiều tháng làm việc cật lực, chiếc bè luồng dài hơn 18 m, rộng gần 6 m được kết bằng 3 lớp luồng với khoảng 100 km dây mây và lạt tre, được thiết kế có 2 mui để lái cũng hoàn thành và hạ thủy vào ngày 16.3.1993. Chiếc bè sau đó được kéo ra Quảng Ninh lắp cột buồm rồi chở sang Hồng Kông để bắt đầu hành trình vượt đại dương.
Chia tay người vợ và 3 đứa con thơ dại, ông Lợi hăm hở đến Hồng Kông theo lời hẹn với Tim, để rồi ngày 17.5.1993, ông cùng những nhà thám hiểm lên chiếc bè luồng xứ Thanh giong buồm bắt đầu hành trình vượt Thái Bình Dương. Lên đường vào đầu mùa mưa bão, nên khi băng qua eo biển Đài Loan, chiếc bè đã gặp cơn bão đầu tiên. “Lúc ấy, chỉ một mình tôi xoay xở với cơn bão vì các thành viên trong đoàn đều chưa biết lái bè. Cuối cùng tôi đã điều khiển được chiếc bè qua cơn bão biển một cách an toàn mà chỉ có một cột buồm bị gãy…”, ông Lợi nói. Sau khi vào Nhật Bản thay cột buồm, đoàn lại lên đường, hướng tới vùng biển San Francisco, Mỹ.
Hành trình vượt Thái Bình Dương, chiếc bè luồng của xứ Thanh đã chống chọi với 4 cơn bão biển, 1 lần gặp tàu hải tặc, nhưng nguy hiểm nhất chính là lần chiếc bè suýt bị một tàu vận tải tông trúng. Lúc ấy, bè đang trôi trong đêm tối, bất ngờ một tàu vận tải áp sát mạn bè, sóng đánh mạnh làm bè luồng chao đảo khiến mọi người hoảng loạn. Bằng kinh nghiệm đi biển của mình, ông Lợi đã nhanh chóng lái bè chệch sang một bên sườn con tàu, cứu cả đoàn thoát nạn trong gang tấc.
Sau 105 ngày rời Nhật, đoàn thám hiểm buộc phải rời bè luồng khi đã đi được 5.500 dặm và chỉ còn cách bờ tây nước Mỹ 1.000 dặm. “Ở ngày thứ 103, sau khi rời Nhật, chúng tôi phát hiện một số cây luồng bị tuột khỏi bè, các sợi dây mây cũng bắt đầu mềm ra và không còn chắc chắn nữa. Nhưng tôi và các thủy thủ trong đoàn vẫn quyết tâm ở lại trên bè để tới Mỹ. Tuy nhiên, do có một cơn bão lớn đang hình thành trong khu vực nên Tim quyết định liên lạc với lực lượng tuần duyên của Mỹ để nhờ di tản khỏi chiếc bè, bảo đảm an toàn cho đoàn”, ông Lợi nhớ lại.
Và ngày 16.11.1993, đoàn thám hiểm lên tàu quay trở lại Nhật Bản. “Khi con tàu California Galaxy khởi hành mang theo 5 thủy thủ đoàn về Nhật, thì vào lúc đó, cả 3 cánh buồm đều căng gió và nhẹ nhàng lướt đi. Chiếc bè chạy theo lèo trái, bánh lái giữ tại chính tâm, nó đang tiếp tục hướng về châu Mỹ. Giờ là lúc nó đi một mình mà không có chúng tôi”, ông Lợi bùi ngùi nhớ lại.
Đoàn thám hiểm có 7 người, gồm: nhà thám hiểm Tim Severin (Ireland), Joe Beynon, Rex Warner và Trondur Patursson (đều là người Anh), Nina Kojima (Nhật Bản), Mark Reynolds (Hồng Kông) và ông Lương Viết Lợi. Trong đó, Mark Reynolds và Nina Kojima rời bè trước khi 5 thành viên còn lại rời Nhật Bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.