Vượt trần lãi suất là tự sát

12/04/2012 11:06 GMT+7

(TNO) Thừa nhận tình trạng lách trần lãi suất vẫn tồn tại và đang diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, khẳng định: “Ngân hàng nào cứ tiếp tục vượt trần nếu không đổ vỡ vì thanh khoản thì cùng lỗ lớn”.

(TNO) Thừa nhận tình trạng lách trần lãi suất vẫn tồn tại và đang diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, khẳng định: “Ngân hàng nào cứ tiếp tục vượt trần nếu không đổ vỡ vì thanh khoản thì cùng lỗ lớn”.

Theo Thống đốc Bình, trước đây, các ngân hàng (NH) vì sợ mất thanh khoản và giảm thị phần huy động nên lách trần bằng mọi giá. Nhưng, với việc giảm lãi suất (LS) từ đầu năm đến nay, cũng như điều tiết cung ứng tiền của NHNN, nếu tổ chức tín dụng (TCTD) nào vẫn trả LS cao hơn trần 12%/năm, trong khi tín dụng bị khống chế, không cho vay ra được, chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

“Thử hỏi TCTD sẽ chịu đựng được trong bao lâu?”, ông Bình đặt câu hỏi và cũng thẳng thắn thừa nhận, bất cứ biện pháp hành chính nào mang tính áp đặt và đã áp đặt chắc chắn sẽ có người cố gắng lách qua. Trước mắt, phải kèm theo chế tài thật mạnh, xử lý nghiêm NH vi phạm, thời gian tới khi “thời cơ chín muồi” thì trật tự hệ thống được lập lại, thanh khoản lành mạnh, sẽ bỏ trần.

Trong ngày hôm qua và sáng nay (12.4), một loạt NH cũng đã công bố và niêm yết biểu LS huy động mới đối với tiền đồng (VNĐ).

Cụ thể, tại NHTMCP Á Châu (ACB), kể từ ngày 11.4, mức LS tiền gửi cao nhất 12%/năm đối với tiền gửi LS thả nổi. Đối với tiền gửi có kỳ hạn truyền thống trên 1 tháng đến dưới 1 năm và lĩnh lãi cuối kỳ là 11,88%/năm. Kỳ hạn 1 đến 2 tuần LS chỉ còn 4%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Xuất nhập khẩu - Eximbank, mức thấp nhất dành cho tiết kiệm ngắn hạn từ 1 đến 3 tuần là 4%/năm, còn mức LS cao nhất là 12%/năm.

Phía các NH nhà nước có BIDV đã nhanh chóng áp mức LS mới, cụ thể, BIDV từ 11.4 áp LS không kỳ hạn ở mức 3%/năm, các mức LS còn lại kịch trần 12%/năm.

Trong khi đó, Vietcombank áp mức lãi không kỳ hạn 2%/năm, kỳ hạn 7 tuần và 14 ngày là 4%/năm, các kỳ hạn còn lại 12%/năm.

Về LS cho vay, hiện nay thấp nhất dành cho các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu… dao động từ 14 - 16%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác từ 15 - 19%/năm, đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), chứng khoán và cho vay tiêu dùng từ 20 - 25%/năm.

Dấu ấn rõ nét nhất trong lần thay đổi chính sách tiền tệ lần này là việc nới lỏng tín dụng cho lĩnh vực BĐS khi đã loài trừ gần như toàn bộ dư nợ cho vay xây nhà và mua nhà để ở ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích.

Ông Phạm Quang Tùng - Phó tổng giám đốc BIDV - cho biết, tới đây, NH sẽ mạnh dạn hơn trong cho vay lĩnh vực này, với LS khoảng 16%/năm, và cũng cho phép các DN được cơ cấu, gia hạn nợ nếu có khả năng phát triển và trả nợ.

Ý kiến một số NH về việc giảm lãi suất

Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn:

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn vì lãi suất cho vay duy trì ở mức cao kéo dài. Cho nên, việc lãi suất huy động xuống 12%/năm là một chủ trương đúng đắn của NHNN, sẽ tạo cơ sở, tiền đề để các NH thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay.

Song, việc vốn rẻ đến DN thời điểm nào là việc vận hành cả một hệ thống. Thời điểm này, nhu cầu vay vốn về cơ bản vẫn có, nhưng chưa biết sức hấp thụ vốn của DN thế nào. Theo tôi, chỉ khi các DN thấy yên tâm trong đầu tư hoặc nền kinh tế bắt đầu có định hướng phát triển hơn thì các DN sẽ mạnh dạn vay vốn nhiều hơn. Hy vọng từ đây sẽ có một luồng gió mới để cung - cầu có thể gặp nhau.

Phó tổng giám đốc NHTMCP Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại:

Lãi suất cao quá đương nhiên là không ai vay. Cho nên, đây cũng là điều các NH đang mong muốn thực hiện. Nhưng bản thân nền kinh tế lại đang đương đầu với vấn đề khác chứ không chỉ do lãi suất. Hàng tồn kho nhiều, sức mua nền kinh tế kém, không ai sản xuất thì vay vốn làm gì?

Nói chung, cung - cầu trên thị trường là câu chuyện muôn đời, áp lực lên nền kinh tế đang thực sự giảm sau các mức trần lãi suất điều chỉnh từ 14%/năm xuống 13% và 12/%/năm. Nhưng với các NHTM hiện nay, vấn đề còn tùy thuộc sức hấp thụ của nền kinh tế.

Tổng giám đốc NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) Nguyễn Quang Định:

Việc trần lãi suất huy động được NHNN điều chỉnh giảm về mức 12%/năm là không có gì bất ngờ. Bởi vì, với những tín hiệu lạc quan từ lạm phát có xu hướng giảm rất nhanh, thanh khoản ngân hàng cải thiện trong tình trạng huy động vốn vẫn tốt, tín dụng sụt giảm thì mức điều chỉnh giảm lãi suất như vậy là hợp lý.

Theo tôi, mức lãi suất mới cũng không ảnh hưởng nhiều đến huy động vốn, cũng như thanh khoản của các NH.  Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như BĐS, chứng khoán... chưa có gì khởi sắc mà vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì với mức lãi suất điều chỉnh vẫn còn hấp dẫn người gửi tiền. Tôi cho là mức lãi suất huy động 12%/năm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến huy động vốn của các NHTM.

Anh Vũ

>> Ngân hàng vượt trần lãi suất sẽ bị tước giấy phép
>> Ngân hàng “lách” lãi suất trần
>> Ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp hấp thụ vốn yếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.