VWS cho biết công ty tiếp nhận và xử lý khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày của Công ty môi trường đô thị TP từ ngày 30.11.2014 theo Nghị quyết số 07 của HĐND TP ngày 11.7.2014 và Chỉ đạo số 756 của Thường trực UBND TP ngày 19.9.2014. Để thực hiện yêu cầu này, VWS đã hết sức nỗ lực, đầu tư thêm nhiều thiết bị mới, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, mở rộng công nghệ nano, tuyển thêm nhân công...
Trả lại từ 10.10
|
Trước áp lực của dư luận hiện nay, đồng thời để giảm thiểu khối lượng nước mưa pha lẫn nước rỉ rác bị tăng lên đột ngột do ảnh hưởng từ hai trận mưa lịch sử trong ngày 26, 27.9 và trong lúc chờ nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000 m3/ngày hoàn tất việc xây dựng để bắt đầu chạy thử nghiệm đầu tháng 2.2017, VWS đã đi đến quyết định trên. Đồng thời để đảm bảo an toàn cho quy trình vận hành, tránh không để xảy ra sự cố, VWS đã đề xuất UBND TP, Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét cho công ty này tạm ngưng tiếp nhận khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày và chuyển qua xử lý tại khu xử lý rác dự phòng ở Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (H.Củ Chi). VWS cho biết, thời gian tạm ngưng tiếp nhận khối lượng tăng thêm 2.000 tấn/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 10.10. Riêng khối lượng rác được giao cho công ty tiếp nhận ổn định lâu nay vẫn thực hiện bình thường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng mỗi ngày.
Theo bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS, công ty sẽ tiếp nhận lại khối lượng rác tăng thêm khi nhà máy xử lý nước thải mở rộng đi vào hoạt động đầu tháng 2.2017 hoặc sẽ có thông báo 5 ngày trước khi công ty tiếp nhận lại. Trong thời gian này, VWS sẽ lưu giữ lượng nước thải chưa qua xử lý tại các hồ chứa tạm trong khu liên hợp. Đồng thời cũng sẽ bố trí, sắp xếp lại nhân sự, thiết bị cơ giới để chuyển đổi qua làm việc khác.
Đẩy nhanh chương trình phân loại rác tại nguồn
Trước việc Công ty VWS xin trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày cho TP, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường VN, hiện nay TP vẫn đang có sẵn bãi rác của Công ty môi trường đô thị TP ở Phước Hiệp. “Phương án trước đây của TP cũng tính đến việc đưa một phần rác vào bãi rác này, nhưng sau đó TP đã quyết định đưa về bãi rác Đa Phước để xử lý tập trung. Theo thiết kế thì bãi rác này xây dựng sẵn để dự phòng, nơi đây cũng có thể tiếp nhận được 2.000 tấn/ngày và có thể tiếp nhận khoảng 3 năm là đầy”, ông Sỹ cho biết.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cũng cho rằng việc giảm công suất, nguồn rác thải sẽ giảm đi và mùi hôi cũng giảm bớt. Tuy nhiên, để hạn chế mùi hôi phát tán thì cần xử lý bằng kỹ thuật như bơm xịt hóa chất, che chắn, xử lý nước rỉ rác... Còn giải pháp hiện nay chỉ là phân tán, giảm mùi hôi chỗ này nhưng chỗ khác tăng. Do đó giải pháp căn cơ nhất là TP cần đa dạng công nghệ xử lý, nhất là đốt rác phát điện để xử lý chứ không thể chôn lấp. Muốn vậy cần phải đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn để tạo thuận lợi cho các nhà máy xử lý rác và giảm chi phí ở khâu xử lý. “Dân phân loại rác rất dễ dàng, nhưng vấn đề là hiện nay TP vẫn không đồng bộ từ thu gom, vận chuyển. Người dân phân loại rồi nhưng khi xe đi thu gom đổ chung vào hay ép rác, vận chuyển cũng đổ chung vào nên cũng như không. Do đó TP cần có một công nghệ đồng bộ để chương trình phân loại rác tại nguồn hiệu quả, ít tốn kém và lãng phí”, ông Tuấn nói.
Theo một chuyên gia về môi trường đô thị, hiện nay chương trình phân loại rác tại nguồn của TP gần như thất bại khi rác người dân vẫn gom chung lại “một đống” rồi đưa lên xe gom rác, sau đó vận chuyển đến các nhà máy, bãi chôn lấp. Chính điều này đã khiến việc xử lý rác tại các nhà máy để đốt hoặc làm phân compost gần như “bó tay”. Trong khi đó khâu vận chuyển, các trạm trung chuyển rác của TP hiện nay cũng đang có vấn đề, nhất là các trạm trung chuyển rác đặt trong các khu dân cư rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy, các xe vận chuyển rác cũng chưa đảm bảo vệ sinh, chạy đi gom và đi đổ rác cũng là nguyên nhân làm phát sinh mùi hôi khi nước rỉ rác trên các xe này chảy xuống đường hoặc các xe không được che chắn cẩn thận.
Một vấn đề nữa hiện nay các chuyên gia cho rằng TP cần xử lý rốt ráo là việc đầu tư xây dựng dải phân cách cây xanh, cách ly các khu liên hợp xử lý rác đối với khu vực dân cư xung quanh. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm đưa bãi rác Đa Phước vào vận hành, TP vẫn còn chưa giải phóng xong mặt bằng, thu hồi đất để trồng gần 1.000 ha cây xanh cách ly theo quy hoạch và cam kết với nhà đầu tư. Khi trồng dải phân cách bằng cây xanh, mùi hôi từ bãi rác sẽ được cây xanh hấp thu một phần, làm giảm phát tán ra xung quanh. Việc trồng cây xanh to lớn dày đặc theo nhiều hàng sẽ giúp cản gió đưa mùi lan tỏa đi xa.
Ngày 5.10, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường để hỏi về hướng xử lý của TP khi mà Công ty VWS trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày cho TP thì nơi đây cho biết “cũng chỉ mới nhận được công văn” từ VWS vào chiều cùng ngày nên chưa đưa ra được phương án giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, Sở sẽ họp bàn và sau đó sẽ báo cáo với lãnh đạo TP để có hướng xử lý. Trong khi đó, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng, phụ trách truyền thông và thông tin đại chúng (Công ty môi trường đô thị TP.HCM), khẳng định Khu xử lý rác Phước Hiệp là bãi rác dự phòng của TP nên giải quyết được việc này. Theo thiết kế, công suất xử lý rác tối thiểu tại bãi rác này là 2.000 tấn/ngày, tổng cộng khoảng 4,5 triệu tấn là đầy.
|
Bình luận (0)