Từ quan hệ Mỹ - Trung đến chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam 1979: Washington và sự chuyển hướng sang Bắc Kinh

14/02/2022 07:53 GMT+7

Trước khi phát động chiến tranh tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam vào năm 1979, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Mỹ nhờ vào sự ủng hộ của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khi đó là ông Zbigniew Brzezinski.

Ngược dòng lịch sử cách đây 45 năm, sau một thời gian ngắn nhậm chức, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1977 đưa ra quan điểm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Quan điểm chống Liên Xô

Theo tài liệu Lầu Năm Góc, vào thời điểm trên, 3 quan chức cấp cao tham mưu chính sách đối ngoại cho Tổng thống Carter (tại nhiệm từ năm 1977 - 1981) bao gồm: Ngoại trưởng Cyrus Vance (1917 - 2002) tại nhiệm từ năm 1977 - 1980, Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski (1928 - 2017) và Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown (1927 - 2019) cùng tại nhiệm từ năm 1977 - 1981.

Từ trái qua: Cố vấn Brzezinski, Tổng thống Carter và Ngoại trưởng Vance vào năm 1977

Nhà Trắng

Trong số các quan chức trên, ông Brzezinski được cho là người định hình chính sách đối ngoại của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Carter. Cụ thể, tháng 6.1978, tờ The Washington Star có bài phân tích “Who sets foreign policy, Vance or Brzezinski?” (tạm dịch: Ai là người hình thành chính sách ngoại giao, Vance hay Brzezinski?). Bài viết so sánh nội các của ông Carter với thời Tổng thống Richard Nixon (tại nhiệm 1969 - 1974). Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nixon (1969 - 1973), ông Henry Kissinger giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia nhưng gần như vượt qua Ngoại trưởng đương thời là ông William P.Rogers trong việc định hình chính sách ngoại giao. Và lịch sử lặp lại dưới thời Carter, khi Cố vấn Brzezinski có tiếng nói ảnh hưởng hơn Ngoại trưởng Vance về chiến lược đối ngoại.

Là con trai của một nhà ngoại giao Ba Lan, Brzezinski rời khỏi quê nhà vào năm 1938. Khi đó, ông 10 tuổi, đến Canada theo người cha “đi sứ”. Chỉ 1 năm sau, sự hiện diện của quân đội Đức và Liên Xô tại Ba Lan đã làm cho gia đình ông không quay về quê hương.

Từ biến cố năm 1939, Brzezinski cho rằng việc Liên Xô triển khai quân ở phía đông của Ba Lan khiến nước này mất khả năng kháng chiến chống lại Đức Quốc xã, nên Moscow phải chịu trách nhiệm lớn về vấn đề Ba Lan. Cố vấn Brzezinski đã khẳng định điều này trong lần trả lời phỏng vấn vào năm 1981 về những chính sách của ông khi tại nhiệm, theo tài liệu giải mật được lưu trữ bởi văn phòng của cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Sau khi giữ vị trí Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Carter, ông Brzezinski viện dẫn việc Liên Xô tăng cường hiện diện quân sự rồi tiến đến triển khai lực lượng hùng hậu đến Afghanistan để nhấn mạnh quan điểm là Washington cần có chính sách cứng rắn với Moscow. Với ông, để “bẻ gãy” Liên Xô thì điều Mỹ cần làm là bắt tay với Trung Quốc - khi đó vốn đang có quan hệ căng thẳng với Việt Nam.

Ông Brzezinski trả lời báo giới vào tháng 10.2016

Ngô Minh Trí

Sự thay đổi của Washington

Từ đó, ông Brzezinski đã ra sức tác động lên chính quyền của Tổng thống Carter nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc mà chưa thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Hơn 1 năm trước khi qua đời, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về vấn đề trên. Qua đó, ông thừa nhận lúc bấy giờ thì Cố vấn Brzezinski muốn tập trung bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ông nói rõ thêm: “Lúc đó (cuối thập niên 1970 - NV), chúng tôi muốn tập trung bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi không chịu áp lực nào để tăng cường quan quan hệ với Việt Nam. Trong bối cảnh vừa kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, chúng tôi chưa hướng đến bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”.

Tháng 9.1978, Ủy ban đặc trách Đông Nam Á đã trình một báo cáo cho Tổng thống Jimmy Carter về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong đó, dù đồng ý với báo cáo về triển vọng bình thường hóa quan hệ, nhưng các nghị sĩ Sam Hall và Ike Skelton, thuộc nhóm 8 nghị sĩ nêu quan điểm rằng: “Chúng tôi không chủ trương bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”, vì “cần xem xét các lợi ích khác”. Tương tự, nghị sĩ Henson Moore, cùng thuộc nhóm trên, đặt ra vai trò của Trung Quốc khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, và xét đến bối cảnh Việt Nam cùng Liên Xô thắt chặt quan hệ với nhau.

Tháng 3.2006, cựu Tổng thống Jimmy Carter có cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ về quan hệ với Việt Nam vào cuối thập niên 1970. Nội dung trả lời được lưu trữ tại Cơ quan Thư khố quốc gia Mỹ cho thấy ông Carter nhiều lần thừa nhận rằng: “Khi đó, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam không nằm trong ưu tiên của tôi”. Ông tiết lộ thêm: “Vào cùng năm 1978, tôi cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.