Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31.8 công bố bản tin cập nhật hằng tuần về tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, trong đó lưu ý về một biến thể mới của virus gây Covid-19 được đặt tên là “Mu”.
Có thể kháng vắc xin
Biến thể mới này được phát hiện lần đầu tại Colombia vào tháng 1, được viết theo khoa học là B.1.621. WHO xếp Mu vào danh sách các biến thể đáng chú ý. Các biến thể này có những thay đổi về di truyền tác động đến đặc tính của virus như sự lây truyền, tình trạng bệnh nặng, khả năng vượt qua hệ miễn dịch, khó chẩn đoán hoặc điều trị.
Trong bản tin, WHO cho biết biến thể Mu có những đột biến cho thấy nó có khả năng kháng vắc xin nhưng nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm. Từ khi được phát hiện hồi tháng 1, đã có một vài báo cáo về các ca nhiễm biến thể Mu và một số điểm bùng dịch từ Nam Mỹ và châu Âu. Theo WHO, tỷ lệ ca nhiễm biến thể Mu trên toàn cầu đã giảm xuống và hiện ở dưới 0,1% nhưng tỷ lệ tại Colombia (39%) và Ecuador (13%) vẫn tăng dần. Tuy nhiên, WHO lưu ý tỷ lệ này còn phụ thuộc vào năng lực giải trình tự gien của mỗi nước và thời gian chia sẻ dữ liệu.
Theo AFP, tất cả virus đều biến đổi theo thời gian và hầu hết những đột biến không làm ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít đến đặc điểm của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây tác động lớn đến tính lây truyền, độ nặng của bệnh, khả năng kháng vắc xin, kháng thuốc và các biện pháp phòng bệnh khác. Ngoài Mu, còn có 4 biến thể khác nằm trong danh sách đáng chú ý của WHO là Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Gần đây, giới chuyên gia y tế Nam Phi phát hiện một biến thể mới gọi là C.1.2 và đã báo cáo WHO về trường hợp này. Theo các nhà khoa học, C.1.2 được phát hiện vào tháng 5 và đến ngày 13.8 có mặt tại một số nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Các nhà khoa học Nam Phi cho biết biến thể C.1.2 tính đến nay là loại đột biến nhiều nhất khi có đến 59 biến đổi so với chủng virus được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngoài những biến đổi giúp gia tăng khả năng lây nhiễm và giảm tác dụng của kháng thể, C.1.2 còn có những đột biến đáng lo ngại, có thể tăng khả năng lây nhiễm thông qua năng lực tự sinh sôi của nó.
Mối nguy từ biến thể Delta
Ngoài những biến thể đáng chú ý, thế giới đang chịu tác động lớn từ các biến thể đáng lo ngại, đặc biệt là biến thể Alpha (có mặt tại 193 nước) và Delta (170 nước).
Trong phát biểu mới đây, Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng biến thể Delta là mối đe dọa hiện hữu, đang thử thách năng lực của hệ thống y tế công cộng vững mạnh nhất trong khu vực.
“Với khả năng lây truyền cao hơn, nghĩa là biến thể Delta sẽ khiến các chùm trường hợp bệnh nhanh chóng bùng phát thành các ổ dịch lớn hơn, đặc biệt trong 3 môi trường có nguy cơ cao: không gian kín, nơi đông người và nơi mọi người tiếp xúc gần", ông Kasai nói.
Trong bối cảnh xuất hiện thêm các chùm ca nhiễm trong các gia đình, ông Kasai cho biết các chính phủ trong khu vực đang áp dụng những hành động sớm và mạnh mẽ thông qua giãn cách xã hội và các biện pháp khác để hạn chế lây nhiễm và tránh gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng.
Ông Kasai kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát virus, đánh giá cẩn trọng và quản lý các nguy cơ trong từng bối cảnh.
Theo ông, điều đặc biệt quan trọng là đối với các quốc gia có ít hoặc không có ca nhiễm cần phải tiếp tục đề cao cảnh giác. “Chúng ta đã thấy biến thể Delta có thể lây lan nhanh như thế nào và khó để ngăn chặn ra sao”, ông Kasai nói.
Bình luận (0)