Reuters đưa tin trong cuộc họp báo ngày 11.5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) đối với dịch đậu mùa khỉ, theo khuyến cáo của Ủy ban khẩn cấp thuộc WHO.
Tuyên bố được đưa ra gần một năm sau khi dịch bệnh này bắt đầu lây lan trên thế giới. WHO ban bố PHEIC với đậu mùa khỉ vào tháng 7.2022 và tiếp tục giữ nguyên cảnh báo vào tháng 11.2022 và hồi tháng 2.2023.
Việc này giúp nâng cao sự chú ý của quốc tế đối với mối đe dọa y tế chung và tăng cường sự hợp tác về vắc xin cũng như các phương pháp điều trị.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, từ khi bùng phát đến ngày 8.5, hơn 87.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên toàn cầu. Trước thông báo này, WHO cho biết số ca nhiễm đã suy giảm nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng tái bùng phát tại một số khu vực và việc lây lan kéo dài ở một số nước.
Gây tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao?
Bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên vào năm 1958 và được đặt tên theo loài vật đầu tiên có triệu chứng. Trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở người đầu tiên là một bệnh nhi ở CHDC Congo năm 1970. Đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng bệnh như đậu mùa, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể, giọt bắn trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết phát ban, vảy, vết loét hay chất dịch của người nhiễm bệnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bệnh chủ yếu lây lan tại một số nước Tây Phi và Trung Phi cho đến khi lan rộng vào năm ngoái. Hồi tháng 11.2022, WHO thông báo sẽ thay thế từ "đậu mùa khỉ" (monkeypox) bằng từ "mpox" và kêu gọi mọi người cùng thay đổi, sau một số khiếu nại cho rằng tên gọi của căn bệnh hiện nay mang tính kỳ thị.
Bình luận (0)