WHO: Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Đông A
Quỳnh Như
30/01/2023 20:49 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.1 cho biết Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, 3 năm sau khi cảnh báo mức cao nhất được đưa ra cho đại dịch này.

WHO: Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus

Reuters

Theo AFP, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 30.1 tuyên bố Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Phát biểu này dựa trên các khuyến nghị ủy ban khẩn cấp WHO đưa ra ngày 27.1 sau cuộc họp lần thứ 14 kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Cảnh báo mới nhất của WHO cũng được đưa ra 3 năm sau khi tổ chức này tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất - đối với Covid-19 vào ngày 30.1.2020. Thời điểm đó, thế giới ghi nhận chưa đến 100 ca bệnh và không có trường hợp tử vong nào được phát hiện bên ngoài Trung Quốc.

Cho đến nay, hơn 752 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 đã được báo cáo cho WHO, trong đó có hơn 6,8 triệu trường người tử vong, mặc dù con số thực được cho là cao hơn nhiều.

Sau 3 năm khổ sở vì Covid-19, thế giới chuẩn bị ra sao cho đại dịch tiếp theo?

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30.1, ông Tedros thừa nhận rằng "hiện tại, khi bước vào năm thứ tư của đại dịch, chúng ta đang trong tình trạng tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng lây nhiễm do Omicron gây ra bùng phát mạnh mẽ".

Tuy nhiên, ông Tedros lưu ý rằng từ đầu tháng 12.2022, số ca tử vong được báo cáo hàng tuần đã tăng lên. Trong 8 tuần qua, hơn 170.000 người đã thiệt mạng vì Covid-19.

Trước đó, hồi tháng 10.2022, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống dưới 10.000 trường hợp mỗi tuần so với mốc hơn 70.000 người chết mỗi tuần vào đầu năm 2022.

Tỷ lệ tử vong bắt đầu tăng nhanh trở lại vào đầu tháng 12.2022, đặc biệt là do sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế để ngăn Covid-19 lây lan. Đến giữa tháng 1, gần 40.000 ca tử vong do Covid-19 được báo cáo mỗi tuần và hơn một nửa trong số đó được ghi nhận ở Trung Quốc.

WHO ngày 30.1 cũng cho biết ủy ban khẩn cấp đánh giá đại dịch "có thể đang ở điểm chuyển tiếp".

Tuy vậy, ông Tedros tiếp tục bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc theo dõi virus thông qua xét nghiệm và giải trình tự gien.

Tổng giám đốc WHO cũng bày tỏ sự thất vọng khi nhiều người thuộc nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa được chủng ngừa đầy đủ và không được tiếp cận các loại thuốc cần thiết để điều trị Covid-19 trở nặng.

Năm 2023, thế giới sẽ thật sự bỏ lại đại dịch Covid sau lưng?

"Chúng ta không thể kiểm soát virus, nhưng chúng ta có thể cố gắng giải quyết các lỗ hổng trong cộng đồng và hệ thống y tế. Điều đó có nghĩa là tiêm chủng 100% những người thuộc các nhóm có nguy cơ cao nhất, tăng khả năng tiếp cận xét nghiệm và sử dụng thuốc kháng virus sớm", ông Tedros chỉ ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.