WHO kêu gọi kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm

Liên Châu
Liên Châu
23/05/2023 16:54 GMT+7

Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ, nên WHO kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Gánh nặng bệnh tật

Sáng nay 23.5, tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo T.Ư, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tham dự và phát biểu về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

 WHO kêu gọi kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm - Ảnh 1.

Mộ số bệnh liên quan thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới

BỘ Y TẾ

Theo Thứ trưởng Thuấn, trong 10 năm qua, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020.

Ở lứa tuổi 13 - 15, tỷ lệ này cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn giới trẻ. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. 

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện, liên quan bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Ngoài nicotine, thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. 

Dẫn nguồn từ WHO về tác hại của thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, thuốc lá mới không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường và cũng không phải là sản phẩm ít hại, ít nguy cơ với sức khoẻ, mà có nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính như hô hấp, tim mạch, bệnh về răng miệng... giống như thuốc lá thông thường. 

Ông Thuấn cho rằng: "Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả đối với sức khỏe của thế hệ trẻ". 

Bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm

Sáng cùng ngày, Bộ TT-TT tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Tại hội thảo, PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) năm nay được WHO phát động với chủ để "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá", nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

"Cái chúng ta cần là sức khỏe, chất lượng giống nòi chứ không cần thuốc lá. Chi phí cho thuốc lá, cho điều trị các bệnh do thuốc lá là rất lớn trong khi mỗi gia đình đang rất vất vả lo cho cuộc sống sau Covid-19", PGS Khuê nhấn mạnh.

"Thuốc lá điện tử đang là "trend" trong giới trẻ, trong khi thuốc lá này cũng chứa nhiều chất gây hại cho sức khỏe. Về nhân quyền, hút thuốc là lựa chọn của cá nhân, nếu mang bệnh tật, ung thư hay đột quỵ thì tự chấp nhận, nhưng cũng đừng quên mình là gánh nặng với người thân khi các bạn mắc bệnh do hút thuốc", PGS Khuê nhắc nhở. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.