Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có VN, chiến dịch cam kết đã được phát động từ năm 2017 với chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: Một khu vực, một phong trào đấu tranh chống kháng kháng sinh”. Chiến dịch nhằm kêu gọi sự chung tay hành động và trách nhiệm của cá nhân để chống lại kháng kháng sinh bảo vệ chính chúng ta, cộng đồng của chúng ta và các thế hệ tương lai.
WHO kêu gọi ngừng sử dụng kháng sinh quá liều và sai cách |
MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Chiến dịch vẫn đang tiếp diễn và đã nhận được hơn 220.000 cam kết trực tuyến từ các quốc gia trong khu vực. WHO và FAO tiếp tục kêu gọi mọi người tham gia cam kết để cùng tạo ra một phong trào rộng khắp trong khu vực với hơn 1 triệu người cam kết ngừng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách.
Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng.
Theo Bộ Y tế, vừa qua VN ghi nhận sự xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lý do tại VN đã phải dùng kháng sinh thế hệ mới (thế hệ 3 và 4). Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, tỷ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30 - 40%. Tại một số tỉnh phía nam, tỷ lệ kháng thuốc của E.coli đã có lúc lên tới 74%.
Bình luận (0)