WHO khuyến cáo cách 'cứu mình' khỏi tai nạn giao thông

08/01/2019 13:38 GMT+7

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm, toàn thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 20 - 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Theo đó, WHO cảnh báo các biện pháp để cứu mình khỏi tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây tử vong ở tất cả các nhóm tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh niên 5 - 29 tuổi. Nguy cơ tử vong trong vụ va chạm giao thông đường bộ cao hơn gấp 3 lần ở các nước thu nhập thấp so với các nước thu nhập cao, theo thống kê của WHO.

Người đi bộ, đi xe đạp và xe máy dễ… tử vong

Theo WHO, hơn một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ rơi vào những người đi đường dễ bị tổn thương như người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe máy.
Người đi bộ, người đi xe đạp và người lái xe mô tô 2, 3 bánh được gọi chung là "người đi đường dễ bị tổn thương". Nhóm đối tượng này có tỉ lệ tử vong cao hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Kiểm soát tốc độ sẽ làm giảm chấn thương

Khi tốc độ trung bình tăng, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ cũng như mức độ nghiêm trọng sẽ gia tăng, theo WHO. Cứ tăng 1% tốc độ trung bình thì nguy cơ bị tai nạn giao thông gây chết người tăng 4%. Một người đi bộ bị xe đâm ở tốc độ 65 km/giờ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 4 lần so với tốc độ 50 km/giờ, WHO đưa ra tính toán.

Uống rượu và lái xe làm tăng nguy cơ gây ra tai nạn

Nguy cơ gây ra tai nạn giao thông sẽ tăng đáng kể khi người lái xe có nồng độ cồn trong máu (BAC) trên 0,5 g/l. WHO khuyến nghị giới hạn BAC là 0,5 g/l cho dân số lái xe nói chung và ≤ 0,2 g/l cho người lái xe trẻ và người mới lái. Chỉ có 45 quốc gia có luật quy định liên quan đến uống rượu và lái xe đáp ứng thông lệ tốt nhất.

Đội mũ bảo hiểm tốt giảm tử vong

Đội mũ bảo hiểm chất lượng tốt có thể giảm 42% nguy cơ tử vong và giảm 70% chấn thương nặng. Chỉ có 44 quốc gia, chiếm 17% dân số thế giới, có luật về mũ bảo hiểm xe máy đáp ứng thông lệ tốt nhất. Cần đảm bảo luật áp dụng cho cả người lái và hành khách, mọi loại đường và loại động cơ, yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm tiêu chuẩn quy định, WHO khuyến cáo.

Đeo dây an toàn

Đeo dây an toàn giúp giảm 45 - 50% nguy cơ thương tích và tử vong cho những người ngồi ghế trước và 25 - 75% cho những người ngồi phía sau. Hiện có 105 quốc gia, chiếm 71% dân số thế giới, có luật thắt dây an toàn cho cả người ngồi ghế trước và ghế sau, phù hợp với thông lệ tốt nhất.

Sử dụng điện thoại di động khi lái xe dễ gây ra tai nạn giao thông

Sử dụng điện thoại trong khi lái xe (dù là dưới dạng cầm điện thoại trong tay hay không cầm trong tay) làm tăng nguy cơ gặp nạn gấp 4 lần. Trong khi đó nhắn tin khi đang lưu thông trên đường làm tăng nguy cơ tai nạn khoảng 23 lần. Thời gian phản ứng của tài xế chậm hơn 50% trong khi sử dụng điện thoại so với khi không có.

Hạn chế cử động trẻ em giúp giảm chấn thương và tử vong

Đặt trẻ em trong các dụng cụ giảm chấn sẽ làm giảm ít nhất 60% nguy cơ tử vong, đặc biệt đối với trẻ em dưới 4 tuổi. Đối với trẻ em từ 8 - 12 tuổi, ghế nâng có thể giảm 19% nguy cơ chấn thương so với chỉ sử dụng dây an toàn. Tốt nhất, cần hạn chế trẻ em ngồi ở ghế trước.

Cấp cứu nhanh giúp cứu sống và giảm thiểu thương tật

Người bị nạn có thể được cứu sống và giảm thiểu thương tật khi bị tai nạn giao thông nếu được chăm sóc kịp thời tại hiện trường, vận chuyển kịp thời đến bệnh viện để được cấp cứu, phẫu thuật sớm và tiếp cận sớm với các dịch vụ phục hồi chức năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.