WHO thúc đẩy nghiên cứu chuẩn bị ứng phó đại dịch X

Liên Châu
Liên Châu
05/08/2024 04:07 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới phòng ngừa dịch bệnh (CEPI) mới đây đã kêu gọi nghiên cứu hợp tác trên toàn cầu để chuẩn bị cho các đại dịch tiềm tàng.

Theo WHO, khung khoa học về công tác chuẩn bị nghiên cứu dịch bệnh và đại dịch sẽ giúp định hướng và phối hợp nghiên cứu về toàn bộ các họ mầm bệnh, một chiến lược nhằm tăng cường khả năng ứng phó nhanh chóng của thế giới với các biến thể không lường trước, đối với các mầm bệnh mới nổi, sự lan truyền từ động vật sang người và các mối đe dọa chưa biết được gọi là mầm bệnh X.

WHO thúc đẩy nghiên cứu chuẩn bị ứng phó đại dịch X- Ảnh 1.

Với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học VN đã tham gia nghiên cứu về vi rút SARS-CoV-2

TƯ LIỆU NIHE

WHO nhận định: "Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đại dịch tiếp theo là vấn đề thời gian, không phải là có hay không". Do đó, các nước cần sự kết hợp giữa khoa học và quyết tâm để cùng nhau chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Việc nâng cao kiến thức về nhiều tác nhân gây bệnh là dự án toàn cầu đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học từ mọi quốc gia.

WHO thúc đẩy nghiên cứu chuẩn bị ứng phó đại dịch X

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, WHO đang thu hút các viện nghiên cứu trên toàn thế giới thành lập một liên đoàn nghiên cứu mở hợp tác cho mỗi họ mầm bệnh. Các liên đoàn này sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà phát triển, nhà tài trợ, nhà quản lý, chuyên gia… với mục đích thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu lớn hơn và sự tham gia công bằng, đặc biệt là từ những nơi mà các tác nhân gây bệnh được biết đến hoặc có khả năng lưu hành cao.

Trước đó, từ năm 2022, WHO đã khởi động chương trình ưu tiên nghiên cứu về tác nhân gây bệnh toàn cầu mới, tập trung vào nghiên cứu về các họ vi rút và vi khuẩn. Các nghiên cứu này có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, những người đã đánh giá bằng chứng liên quan đến 28 họ vi rút và một nhóm vi khuẩn "cốt lõi", bao gồm 1.652 tác nhân gây bệnh. Nguy cơ dịch bệnh và đại dịch được xác định bằng cách xem xét thông tin có sẵn về mô hình lây truyền, độc lực và tính khả dụng của các xét nghiệm chẩn đoán, vắc xin và phương pháp điều trị.

Các chuyên gia cùng đề xuất một danh sách các tác nhân gây bệnh ưu tiên cần được nghiên cứu. Danh sách này đã công bố lần đầu năm 2017, đến nay bao gồm các bệnh: Covid-19, sốt xuất huyết Crimean-Congo, bệnh do vi rút Ebola và bệnh do vi rút Marburg, sốt Lassa, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), bệnh Nipah, sốt Rift Valley, Zika và bệnh X.

Bệnh X được đưa vào để chỉ một tác nhân gây bệnh chưa biết có thể gây ra một dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.