Chưa xác định nguồn bệnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5.6 thông báo về trường hợp tử vong của một người đàn ông 59 tuổi tại Mexico bị mắc cúm A/H5N2, người đầu tiên trên thế giới được xác nhận mắc H5N2. Nguồn lây bệnh cho người này chưa được làm rõ nhưng WHO lưu ý đã xuất hiện 3 đợt bùng phát H5N2 trên gia cầm tại các vùng lân cận nơi sinh sống của bệnh nhân vào tháng 3. Dù vậy, WHO nói không thể xác nhận mối liên kết giữa ca bệnh và các đợt bùng phát, đồng thời lưu ý rằng nguy cơ của vi rút cúm gà đối với người dân tại Mexico vẫn ở mức thấp.
Giới chức y tế Mexico cho biết bệnh nhân chưa từng tiếp xúc với gia cầm hay các động vật khác. Người này đã nằm liệt giường trong vòng 3 tuần vì nguyên nhân chưa rõ, trong khi ông có nhiều bệnh nền như suy thận mãn tính, tiểu đường và huyết áp cao, điều dễ gây bệnh nặng khi mắc cúm, ngay cả khi đó là cúm mùa. Đến ngày 17.4, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn. Ngày 24.4, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện và tử vong do các biến chứng. Kết quả xét nghiệm xác nhận bệnh nhân mắc cúm A/H5N2. Những người tiếp xúc gần, gồm 17 người tại bệnh viện và 12 người sống gần nhà bệnh nhân, đều âm tính với vi rút gây cúm và Covid-19. Reuters dẫn thông báo của Bộ Y tế Mexico cho hay không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người và các nông trại gần nhà nạn nhân đang được theo dõi thêm.
Vi rút ngày càng tiến hóa
Theo WHO, vi rút cúm trên động vật có thể lây sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh hoặc qua môi trường. Vi rút cúm gà có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở mức nhẹ đến nặng cho con người, thậm chí dẫn đến tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), những ca mắc cúm A/H5N1 trên người đã được ghi nhận tại 23 nước từ năm 1997 với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Trong khi đó, những ca mắc H5N6 đã được ghi nhận tại 2 nước từ năm 2014, có tỷ lệ tử vong hơn 40%. Một đợt bùng phát H5N6 tại Trung Quốc hồi năm 2021 đã khiến 18 người thiệt mạng, tờ The Guardian dẫn thống kê của CDC cho hay. Hồi tháng 5, nhà chức trách Úc ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 đầu tiên trên người tại nước này nhưng lưu ý không có dấu hiệu lây lan thêm. Tuy vậy, nước này phát hiện nhiều ca nhiễm cúm H7 trên gia cầm nuôi tại những trang trại ở bang Victoria.
Các nhà khoa học cũng cho biết ca bệnh tại Mexico không liên quan đợt bùng phát H5N1 trên gia súc tại Mỹ, đến nay đã khiến 3 người lao động tại các nông trại mắc bệnh. Giới chức Mỹ nói không có trường hợp nào bị nhiễm từ người sang người và mầm bệnh chỉ lây từ gia súc sang người. Chuyên gia về bệnh cúm Andrew Pekosz tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay từ năm 1997, vi rút H5 đã liên tục có khuynh hướng lây nhiễm cho các động vật có vú, nhiều hơn các vi rút cúm gà khác. "Đó tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về việc phải rất cảnh giác khi theo dõi những ca nhiễm này bởi mỗi lần lây lan là một cơ hội cho vi rút tìm cách tích lũy những đột biến giúp chúng lây nhiễm tốt hơn trên người", ông Pekosz cảnh báo.
Bình luận (0)