World Cup 2022: Giấc mơ châu Phi

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
12/12/2022 08:18 GMT+7

'Chiến thắng của Ma Rốc tiếp thêm sức mạnh cho em. Em sẽ đến châu Âu vào một ngày gần nhất, chơi cho Ajax Amsterdam hoặc Liverpool '.

Chiến thắng bất ngờ của Ma Rốc khiến tôi nhớ lại một người cũ mới gặp vài hôm trước, bên ngoài sân 974 đang được tháo xuống khi World Cup sắp hạ màn. Đó là cậu bé Dagmawi Tewodros.

“Em có xem trận thắng của Ma Rốc không? Cảm xúc thế nào?”, tôi nhắn qua ứng dụng WhatsApp sau khi chứng kiến những chú sư tử vùng Atlas hạ gục Bồ Đào Nha để tiến vào bán kết, xác lập cột mốc lịch sử cho châu Phi.

“Em cảm thấy được truyền cảm hứng. Nó tiếp thêm sức mạnh cho giấc mơ tới châu Âu chơi bóng của em”, Dagmawi nói với tôi, nhưng cũng không quên bày tỏ rằng việc chứng kiến thần tượng Cristiano Ronaldo chia tay World Cup là “rất đau đớn”.

Tác giả (giữa) và hai cha con Dagmawi Tewodros

ĐỖ HÙNG

“Bóng đá cho em tự do”

Dagmawi Tewodros là một cậu bé 12 tuổi người Ethiopia. Cậu cùng cha mình, nhà báo Tewodros Bachan, đến World Cup 2022 với một giấc mơ bỏng cháy: một ngày gần nhất cậu sẽ chơi bóng cho các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, khoác áo đội tuyển quốc gia tại World Cup và có tiền để làm từ thiện.

Ở bên ngoài sân 974 hôm ấy, sau khi thực hiện con số biểu tượng với 974 lần tâng bóng, cậu đã chia sẻ với tôi câu chuyện của bản thân. “Em chơi bóng từ năm 3 tuổi. Người thầy của em chính là cha em. Ông ấy là một nhà báo. Còn mẹ em là nhà thiết kế. Cả hai đều không liên quan đến bóng đá”.

Tại đất nước Ethiopia nghèo đói, nơi mà GDP bình quân đầu người thuộc nhóm thấp nhất hành tinh, chơi bóng đá đòi hỏi nỗ lực vượt bậc. Đó cũng là con đường mà nhiều cậu bé, nhiều gia đình mơ ước. Đá bóng thật giỏi, lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch, và rồi tài năng cộng với may mắn, những cậu bé như Dagmawi có thể tới chơi cho các đội bóng chuyên nghiệp ở châu Âu. Đấy là một thì tương lai mà Dagmawi cùng cha đang hướng tới. Nhưng để có được ngày đó, trước mắt cậu phải chơi bóng thật giỏi. Mà ở đất nước Ethiopia nơi nhiều trẻ con không đủ ăn, việc được chơi bóng thôi cũng là một may mắn hiếm có đối với Dagmawi rồi.

Ông Tewodros Bachan đang có giấc mơ lớn cùng cậu con trai

“Không có một trường chuyên nghiệp nào. Em tự xem YouTube để học các kỹ năng. Rồi em chơi trong các đội bóng ở quê nhà. Em đá với những cầu thủ lớn hơn em 9 - 10 tuổi. Cứ như thế em dần hoàn thiện kỹ thuật”, Dagmawi kể và cho biết thần tượng của cậu là Cristiano Ronaldo. “Em đá ở vị trí tiền đạo, có nhiều lúc em dạt ra hai cánh, cũng có thể lùi xuống làm tiền vệ tổ chức. Nhưng em thích nhô lên cao để ghi bàn. Ở những giải phong trào, em thường ghi 5 - 6 bàn mỗi trận. Em học theo cách chơi của Ronaldo. Đó là thần tượng của em”.

Theo mong ước mà cha con Dagmawi ấp ủ, khoảng 15 tuổi Dagmawi sẽ thi vào một học viện đào tạo bóng đá trẻ của châu Âu, đó là bước đầu tiên trong kế hoạch hiện thực hóa giấc mơ cháy bỏng của cậu. “Em muốn đến Ajax Amsterdam hoặc Liverpool. Đó là những đội bóng hàng đầu châu Âu và có nhiều cầu thủ châu Phi thành công ở đấy. Anh biết Sadio Mané chứ?”. Tất nhiên là tôi biết Sadio Mané từng thi đấu chói sáng trong màu áo Liverpool trước khi chuyển qua Bayern Munich. “Anh ấy cũng là thần tượng của em”. Tiết lộ của Dagmawi không khiến tôi bất ngờ, nhưng có lẽ tình cảm mà cậu bé dành cho Mané không chỉ là tài năng trên sân cỏ. Có những phẩm chất nơi Mané tương đồng với một giấc mơ nữa của cậu.

“Ở quê em, trẻ con rất thích đá bóng, ai cũng mơ ước được chơi cho các đội hàng đầu, được sang châu Âu thi đấu”, Dagmawi chia sẻ. “Tuy nhiên, không có mấy người may mắn có đủ tiền để mua được một đôi giày. Rất nhiều trẻ con bị ung thư, nhiều người chết đói, không chỉ ở Ethiopia mà cả các nơi khác ở châu Phi. Một khi em chơi cho các đội bóng chuyên nghiệp, em có thể dành tiền để giúp đỡ cho trẻ con ở quê nhà”. Ước mơ của Dagmawi có lẽ được truyền cảm hứng từ thần tượng Mané, người đã dành tiền để xây bệnh viện và thực hiện rất nhiều hoạt động từ thiện tại quê nhà Senegal.

Để quảng bá cho bản thân, Dagmawi mở một kênh TikTok, trong đó cậu đăng tải các video thể hiện kỹ năng chơi bóng. Hành trình của hai cha con tới World Cup 2022 cũng là một phần trong kế hoạch tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ bằng cách hòa mình vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, tiếp xúc gần nhất với không khí bóng đá đỉnh cao. Nhưng chơi bóng ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu - như Ajax hoặc Liverpool - đòi hỏi nhiều thứ hơn chứ không chỉ là kỹ năng tâng bóng, thành tích ghi bàn tại các giải phong trào và một đam mê cháy bỏng. Tôi bày tỏ băn khoăn. Ông Tewodros Bachan giải thích rằng con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của cậu bé Dagmawi còn nhiều thách thức, và để hiện thực hóa giấc mơ, cậu bé phải vào trường đào tạo chuyên nghiệp.

“Nhưng trước hết, em chơi vì em thích. Đó là thứ em thích làm nhất mỗi ngày, dù em còn phải làm nhiều việc khác ngoài bóng đá. Khi chơi bóng, em thấy mình tự do. Cảm giác đó thật tuyệt và nó giúp em tiếp tục theo đuổi trò chơi này”, Dagmawi chia sẻ.

Tôi bắt tay cậu bé và nói rằng tôi chờ xem cậu trên ti vi, khi cậu khoác áo Ajax hoặc Liverpool. Tất nhiên từ đây đến đó còn xa lắm, tôi thầm nghĩ, nhưng trước hết cứ chơi bóng vì yêu thích cái đã, chơi bóng để cảm thấy tự do hay gì cũng được, kết quả sẽ đến sau đó.

Niềm cảm hứng Ma Rốc

Dagmawi Tewodros chỉ là một trong nhiều trẻ em nghèo ở châu Phi, những đứa trẻ đá bóng bằng chân trần trên các sân đầy bụi, đang ôm ấp giấc mộng lớn của cuộc đời. Bóng đá, đối với những đứa trẻ này không đơn thuần là một thú vui, một trò tiêu khiển. Đó còn là giấc mơ đổi đời cho bản thân, và nếu được thì sẽ quay trở lại giúp những người khác đổi đời, như Sadio Mané và nhiều ngôi sao lớn châu Phi đã và đang làm.

“Mọi người chưa từng nghĩ rằng Ma Rốc sẽ đi tới đây, một đại diện châu Phi sẽ đi tới đây. Thế rồi Ma Rốc đã làm được”, Dagmawi nhắn tin cho tôi, lời lẽ xem chừng rất đanh thép và trưởng thành, điều mà có lẽ cậu đã rèn luyện qua những video trên TikTok. “Em cũng sẽ cố gắng như các cầu thủ Ma Rốc”.

Hơn 12 năm trước, khi World Cup diễn ra ở Nam Phi, người ta đã nói về “thời của châu Phi”. Bài hát Waka Waka rất nổi tiếng do nghệ sĩ Shakira trình bày cũng có điệp khúc: “Lần này dành cho châu Phi”. Nhưng để bóng đá châu Phi cất tiếng thực sự thì phải chờ 12 năm sau, khi giải đấu diễn ra tại Qatar, một đất nước nằm ngoài châu Phi nhưng rất gần châu Phi.

Trước khi bước vào trận đấu với Bồ Đào Nha ở tứ kết, HLV Walid Regragui đã nói với các cầu thủ Ma Rốc rằng “hãy viết nên lịch sử cho châu Phi”. Và sau khi trận đấu khép lại với một kết quả tuyệt vời, Ma Rốc giành chiến thắng 1-0 để đi vào lịch sử với tư cách là đội bóng châu Phi đầu tiên tiến vào bán kết World Cup, ông Regragui đã không kìm được cảm xúc: “Tôi rất hạnh phúc. Quá sức hạnh phúc. Hôm nay châu Phi đã trở lại trên bản đồ bóng đá thế giới. Chúng tôi có ý chí để làm điều đó. Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể viết nên lịch sử cho châu Phi”.

HLV Regragui ví đội bóng Bắc Phi với nhân vật võ sĩ quyền anh Rocky Balboa trong loạt phim Rocky do tài tử Sylvester Stallone thủ vai. Đó là một nhân vật xuất thân thấp kém, đã lên võ đài với nhiều bất lợi, để rồi lần lượt hạ gục các đối thủ của mình để bước lên đỉnh cao.

“Khi xem phim Rocky, các bạn ủng hộ nhân vật Rocky Balboa vì tinh thần phấn đấu không biết mệt mỏi của anh ta, vì quyết tâm của anh ta. Tôi nghĩ rằng chúng tôi là Rocky Balboa của World Cup này”. Lời của ông Regragui là nói về đội Ma Rốc, nhưng rộng ra, nó không chỉ nói về đội bóng này. Những đứa trẻ châu Phi, như cậu bé 12 tuổi Dagmawi Tewodros đến từ đất nước Ethiopia nghèo đói, có thể tìm thấy ở đấy nguồn cảm hứng của mình. Rocky Balboa từ trong khốn khó đã vươn lên rực rỡ, thì Dagmawi, dù khó khăn thế nào, vẫn có thể dạn dĩ mà mơ ước. Rồi đặt ra một lộ trình cho giấc mơ ấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.