Trên thực tế, cũng khó thay đổi điều gì, khi chỉ còn đúng 5 tuần nữa là vũ hội bóng đá toàn cầu khai diễn ở Qatar. Tình hình đặc biệt như vậy, nhưng bóng đá châu Phi có hy vọng gì ở World Cup này lại là một câu chuyện khác. Trước đây, người ta luôn sốt ruột chờ xem những bất ngờ hấp dẫn đến từ châu Phi, ở đấu trường World Cup.
Đường đến World Cup 2022: Senegal - ĐKVĐ châu Phi đã sẵn sàng |
Ngay từ lần đầu tiên FIFA mở rộng World Cup từ 16 lên 24 đội và cấp cho châu Phi nhiều hơn 1 suất dự VCK (World Cup 1982), bóng đá châu Phi đã gây tiếng vang. Cameroon không thua trận nào, chỉ xếp dưới và nhường quyền đi tiếp cho Ý vì thua ở chỉ số phụ thứ hai (đồng điểm, đồng cả hiệu số bàn thắng bại nhưng ghi ít hơn 1 bàn). Nghĩa là gần như không có khác biệt nào giữa Cameroon với… nhà vô địch của giải đấu ấy. Đại diện châu Phi còn lại là Algeria thì thắng cả Đức (đội á quân chung cuộc), cũng bị loại vì chỉ số phụ, mà thật ra thì đó là việc dàn xếp trắng trợn giữa Đức và Áo. Từ World Cup 1986 cho đến tận World Cup 2014, bóng đá châu Phi luôn có đại diện góp mặt ở giai đoạn knock-out tại VCK World Cup, trong nhiều trường hợp thì đó là những bất ngờ tuyệt vời, đọng mãi trong lịch sử.
Sadio Mane của Senegal là cái tên sáng giá nhất của bóng đá châu Phi tại World Cup 2022 |
AFP |
Nhưng gần đây, dấu ấn của châu Phi ở đấu trường World Cup ngày càng nhạt phai. World Cup 2018 trở thành kỳ World Cup đầu tiên mà cả 5 đại diện châu Phi đều dừng bước ngay sau vòng bảng. Một mặt, yếu tố bất ngờ gần như đã triệt tiêu hoàn toàn, trong thời buổi mà đa số cầu thủ châu Phi đều chơi bóng ở châu Âu và các đội mạnh đều không còn tâm lý chủ quan khi đụng độ đối thủ châu Phi nữa. Mặt khác, chính đặc điểm “Âu hóa” của các ngôi sao châu Phi đã tạo ra một “độ vênh”, thậm chí lạc lõng hoàn toàn khi trở về khoác áo ĐTQG của mình. Pierre-Emerick Aubameyang (Arsenal, Barcelona, Chelsea) hoặc Naby Keita (Liverpool) thường không còn là chính họ trong màu áo Gabon hoặc Guinea chủ yếu vì lý do này.
Tất nhiên, Aubameyang và Keita đều không được dự World Cup. Tương tự là Mohamed Salah (Liverpool, Ai Cập), Riyad Mahrez (Man.City, Algeria), Sebastien Haller (Dortmund, Bờ Biển Ngà), Wilfried Zaha (Crystal Palace, Bờ Biển Ngà), Victor Osimhen (Napoli, Nigeria)… Trong 10 cầu thủ hay nhất châu Phi năm 2022 mà tạp chí Four Four Two bình chọn, có hơn nửa (6 người) là các cầu thủ sẽ không xuất hiện ở VCK World Cup. Vắng bóng ngần ấy ngôi sao, hy vọng của bóng đá châu Phi tại World Cup sắp tới trở nên nhạt nhòa là phải. Hảo thủ châu Phi tại Qatar sắp tới chỉ gồm Achraf Hakimi (PSG), Hakim Ziyech (Chelsea) của Morocco; Thomas Partey (Arsenal) của Ghana; Sadio Mane (Bayern Munich), Kalidou Koulibaly (Chelsea) của Senegal. Tùy quan điểm, mỗi người có thể liệt kê vài cái tên nữa, nhưng rõ ràng là không đáng kể. Tài năng (đi kèm theo đó là chút “bí ẩn”) luôn là ưu điểm lớn nhất của bóng đá châu Phi ở đấu trường World Cup ngày xưa. Nhưng tại World Cup này, tài năng của bóng đá châu Phi là quá hạn hẹp, thua hẳn so với chính nền bóng đá này trước đây.
Trong loạt trận quốc tế gần đây nhất, 5 đội châu Phi sắp dự World Cup thi đấu giao hữu 10 trận. Họ chỉ thắng 4, trong đó chỉ có đúng 1 trận thắng đối thủ nằm trong “top 80” ở bảng xếp hạng FIFA (Morocco thắng Chile 2-0). Dẫn dắt Morocco hiện thời là HLV Walid Regragui, xa lạ ngay cả trong làng bóng đá nước này. Regragui chỉ mới được chọn thay Vahid Halilhodzic hồi tháng 8. Vậy mà đội tuyển không có ngôi sao trong tay ông lại được đánh giá là đội châu Phi thành công nhất trong loạt trận quốc tế vừa qua. Các đội mạnh châu Phi như Ghana, Cameroon, Senegal đều đang loay hoay với những vấn đề riêng, bên cạnh kết quả không chút khả quan từ những trận giao hữu. Chẳng phải họ không có tham vọng, nhưng họ rất khó đạt được tham vọng tại World Cup này.
Bình luận (0)