WTO không còn hữu danh vô thực nữa và đang tìm lại được vai trò và sứ mệnh của mình - Ảnh: Reuters |
Gần trọn một năm sau ngày được thông qua tại hội nghị ở Bali (Indonesia), Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA) giữa các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được WTO chấp nhận và nhờ vậy quá trình phê chuẩn nó ở các quốc gia thành viên có thể bắt đầu.
So với dự định thì việc này chậm gần nửa năm đối với WTO. Lý do là chính phủ mới ở Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu mới mà các thành viên khác không chấp nhận. Mới rồi, Ấn Độ và Mỹ đã thỏa thuận và cùng đưa ra đề nghị thỏa hiệp cho WTO, giúp tổ chức này thoát khỏi bế tắc.
TFA là hiệp định thương mại đầu tiên của WTO kể từ khi nó được thành lập thay thế GATT cách đây 20 năm. Nó chỉ là một phần trong những mục tiêu mà WTO đề ra cho Vòng đàm phán Doha. Sự trì trệ và bế tắc của Vòng đàm phán Doha đã khiến WTO bị tai tiếng về uy danh và sa sút ảnh hưởng. WTO thậm chí còn bị cho rằng đánh mất lý do để tồn tại và không có tương lai, nhất là sau khi trào lưu hình thành những thỏa thuận mậu dịch tự do song phương và đa phương phát triển rất mạnh mẽ.
Vì thế, thành quả nói trên tuy chưa thể thay thế được những gì WTO đã đề ra với Vòng đàm phán Doha nhưng lại có tầm quan trọng quyết định đối với WTO vì mở ra tương lai cho tổ chức. Hiệu quả không chỉ là giá trị vật chất khoảng 1.000 tỉ USD và 20 triệu việc làm mà TFA đưa lại mà còn là bằng chứng về khả năng và vai trò của WTO, cho thấy WTO không còn hữu danh vô thực nữa và đang tìm lại được vai trò và sứ mệnh của mình.
La Phù
>> Ấn Độ làm khó WTO
>> Bước ngoặt về đâu cho WTO
>> Nga chính thức gia nhập WTO
>> EU sẽ kiện Argentina ra WTO
Bình luận (0)