Xả chất thải xuống hồ - Không có đất xây trạm xử lý

01/12/2012 03:10 GMT+7

Sau khi đăng loạt bài Xả chất thải xuống hồ , Thanh Niên đã nhận được rất nhiều thông tin phản hồi của độc giả. Hầu hết đều cho rằng, việc xả chất thải hầm cầu ra môi trường như vậy là không thể chấp nhận được.

Không những thế, bạn đọc còn cho rằng đây là hành vi hủy hoại môi trường sống, hủy hoại sức khỏe của con người và yêu cầu các cơ quan hữu trách cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Cũng không ít bạn đọc lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc và bức xúc, đặt câu hỏi “tại sao cả TP.Hà Nội” lại chỉ có duy nhất một trạm xử lý phân bùn với công suất 50 tấn/ngày và chỉ phục vụ 180 nhà vệ sinh công cộng.

 Xả chất thải xuống hồ - Không có đất xây trạm xử lý
Chất thải bể phốt được xử lý tại trạm xử lý phân bùn, bể phốt thuộc Chi nhánh Cầu Diễn - Ảnh: Hà An

Làm việc với Thanh Niên, trung tá Trần Quốc Dũng, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội) cho biết, tính tới hiện tại việc phát hiện xử lý 30 trường hợp xả chất thải hầm cầu ra môi trường là rất ít so với thực tế. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ chiến sĩ của phòng còn ít, nên đã để lọt nhiều trường hợp. Theo trung tá Dũng: “Cho dù các công ty được cấp phép hoạt động, nhưng các xe bồn chuyên dụng nhất quyết phải có gắn thiết bị theo dõi, giám sát hình trình GPS”. Khi xe bồn chuyên dụng được gắn loại thiết bị trên, người ta có thể nắm rõ được toàn bộ lịch trình hoạt động, hút và đổ chất thải hầm cầu tại những vị trí nào. “Tuy nhiên, về lâu dài và để giải quyết triệt để thì TP.Hà Nội phải xây dựng thêm nhiều trạm xử lý phân bùn bể phốt”, trung tá Dũng nói. 

Thải ra môi trường 500 tấn phân mỗi ngày

Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội, cho biết: Theo số liệu khảo sát mới đây của công ty, hiện chỉ tính riêng các quận nội thành của TP.Hà Nội, lượng chất thải hầm cầu cần xử lý mỗi ngày cũng lên tới khoảng 500 tấn/ngày. Tuy nhiên, do thiếu nhà máy cũng như trạm xử lý chất thải phân bùn nên khoảng 300 tấn chất thải hầm cầu này đã bị xả thẳng ra môi trường. Cũng theo ông Hải, do đa số các bể phốt - hầm cầu trên địa bàn thủ đô Hà Nội, thay vì được thiết kế đúng chuẩn 3 ngăn (phân thải ra bể phốt sau 20 năm mới phải dùng tới xe bồn để hút), lại đều được làm có 2 ngăn. Từ đây, toàn bộ lượng chất thải khi được hút đi vẫn còn lại chủ yếu là phân tươi. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây mầm bệnh là rất cao.

“Với tư cách là đơn vị tham mưu chính cho lãnh đạo TP.Hà Nội về vấn đề môi trường, công ty đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất tới UBND TP.Hà Nội dự án xây dựng trạm xử lý phân bùn bể phốt và chủ trương này đã được lãnh đạo thành phố đồng ý. Không những thế, UBND TP.Hà Nội đã có công văn yêu cầu công ty tiến hành khảo sát vị trí xây dựng trạm xử lý”, ông Hải cho hay. Cụ thể trạm xử lý phân bùn bể phốt mới có công suất  300 tấn/ngày, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 75 tỉ đồng. “Nếu được TP.Hà Nội đầu tư kinh phí và có quỹ đất, thì chỉ trong vòng 6 tháng phía công ty sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động trạm xử lý phân bùn bể phốt 300 tấn/ngày”.

Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Hải, hiện dự án xây dựng trạm xử lý vẫn nằm trên giấy vì chưa đạt được thỏa thuận xin quỹ đất rộng từ 3 - 5 ha, cho dù đơn vị này đã rất nhiều lần gửi công văn xin đất tới các huyện như Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng...

Hà An

>> Xả chất thải xuống hồ
>> Xả chất thải xuống hồ - Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.