Xả nhiều rác phải đóng nhiều tiền, hy vọng thay đổi từ ý thức

04/01/2022 05:15 GMT+7

Sau khi luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, bạn đọc Thanh Niên bày tỏ nhiều quan điểm về quy định thu phí rác thải tính theo khối lượng, tức phải trả nhiều tiền nếu xả nhiều rác.

Ngại tốn tiền sẽ bớt đổ bừa rác

Trước đây, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế đổ đồng, người xả nhiều hay xả ít, phân loại rác hay không phân loại đều đóng phí như nhau. Kể từ ngày 1.1.2022, khoản 1, điều 79 của luật Bảo vệ môi trường 2020w quy định: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo 2 căn cứ. Thứ nhất, phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Thứ hai, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Luật này khuyến khích gia đình, cá nhân phân loại rác thải, loại có thể tái chế để sử dụng thì không phải trả phí, nhưng phải phân loại đúng, nếu phân loại sai vẫn phải trả phí theo khối lượng.

Việc xử lý rác thải phụ thuộc vào cách tổ chức thu gom, ý thức chấp hành của người dân

Trí Minh

Nhiều bạn đọc (BĐ) quan tâm quy định của luật Bảo vệ môi trường 2020 rằng “chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý” sẽ giúp cải thiện được việc bỏ bừa rác không thèm phân loại, do người dân ngại tốn tiền.

Tuy nhiên, BĐ cũng cho rằng có thể xảy ra tình trạng người dân lười phân loại rác nhưng tìm cách né đóng phí. BĐ hungnxptvn cảnh báo: “Nếu thu nhiều tiền, coi chừng xảy ra tình trạng mang rác sang nhà hàng xóm để, rồi lại phải ngồi canh chừng người khác mang rác sang nhà mình đổ. Thực tế đã xảy ra điều này”. BĐ Phan Minh đồng quan điểm: “Chưa thu phí đổ rác theo khối lượng mà việc đổ trộm rác đã xảy ra ở khắp nơi từ công viên, gầm cầu, đường vắng đến trên cầu, hẻm, khu phố... Sợ là vấn nạn này còn khủng khiếp hơn”. Từ đó, BĐ Nguyễn Ích Quý đề nghị: “Nên tập trung phạt thật nặng tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định chứ như hiện nay thì không bao giờ có đường xanh sạch đẹp”.

Cần có ý thức và biết phân loại rác đúng cách

Theo quy định mới, hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… BĐ Binh Nguyen Thanh nêu ý kiến: “Hãy học cách Nhật Bản thu gom rác: Mỗi khu vực họ dành ra 1 khu nhỏ để người dân vứt rác. Rác được chia ra làm 2 loại là rác cháy được (giấy vụn, thức ăn thừa... ) và rác không cháy (vỏ lon, chai lọ…) và 1 tuần chỉ đổ rác 2 lần. Một lần rác cháy được và 1 lần rác không cháy. Còn riêng rác cồng kềnh, phải gọi điện tới văn phòng công ty vệ sinh để người ta cho xe đến chở, tiền sẽ tính theo khối lượng. Làm theo cách này mới dần dần có tính khả thi”.

BĐ Khởi góp ý: “Theo tôi, nên thu theo thể tích và có túi chuyên dụng để xác định, đồng thời phải xử lý nghiêm khắc hành vi vứt rác bừa bãi...”. BĐ Dương Văn Tuấn đề xuất: “Quan trọng là cách tổ chức thu gom, ý thức chấp hành của người dân. Nói thật, thử thống kê hiện nay có bao nhiêu hộ gia đình biết phân loại rác? Cách thu gom, cân đo như thế nào để tính tiền. Thử hỏi hiện nay có bao nhiêu nhà máy tái chế rác hoạt động? Phần lớn hiện nay là chôn lấp và xử lý nước rỉ và mùi hôi. Trước tiên phải xây dựng nhà máy xử lý rác, thứ hai, tập huấn cho người dân biết cách phân loại, tổ chức từng loại màu bao bì để người dân biết phân loại”.

* Làm thế là chậm. Mong các cấp, các ngành đẩy nhanh, làm sớm, càng sớm càng tốt để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. (Phuong Bui)

* Đúng ra phải khuyến khích thu gom rác. Ai thu gom nhiều được thưởng mới đúng chứ. Đưa luật này ra 3 ngày... ở ngoài con sông đầy rác. Lúc đó lỗi tại ai? (Long Huynh)

* Việc thu gom rác hiện tại chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ hạn chế. Bản thân họ còn chưa biết rác nào là rác tái chế nữa thì phân loại cái gì. Ai thử kiếm giùm cái xe đổ rác nào có 3 ngăn xem có kiếm được không. Vậy thì làm sao? (Vietroad)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.