Xã vùng sâu tiết kiệm chi ngân sách để hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện

24/04/2019 08:45 GMT+7

Một xã vùng sâu ở Đắk Lắk đã trở thành “hiện tượng” nổi bật trong việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho lực lượng công an viên của thôn và thôn đội trưởng.

Hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm chi

Gặp chúng tôi tại trụ sở xã, anh Hoàng Văn Thế, thôn đội trưởng thôn 7, xã Ea M’Doal (H.M’Đrắk, Đắk Lắk), phấn khởi cho biết tháng 5 tới sẽ là tháng đầu tiên anh tham gia đóng BHXH tự nguyện. “Tôi cùng một số anh em công an viên và thôn đội trưởng của các thôn tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách của xã. Sự quan tâm của chính quyền địa phương làm anh em rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với công việc”, anh Thế chia sẻ.
Ông Trần Đình Sơn, cán bộ kế toán xã, kiêm đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) xã Ea M’Doal, cho biết toàn xã đã có 20 công an viên thôn, thôn đội trưởng tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 4.2019. Trong số này, nhiều người tham gia mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng khá cao ngoài hỗ trợ từ ngân sách xã, như anh Nguyễn Minh Sáng (880.000 đồng/tháng), Trần Quốc Toàn (660.000 đồng/tháng), Lê Song Hà, Trần Thái Hòa (cùng mức 572.000 đồng/tháng)… Ông Sơn cho biết bản thân là người làm công tác tài chính của xã nên hiểu rõ các nguồn thu chi, từ đó tham mưu cho lãnh đạo xã có chủ trương tiết kiệm hợp lý, để dành khoản ngân sách nhất định hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho lực lượng công an viên, thôn đội trưởng ở cơ sở.
Ea M’Doal là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với khoảng 1.000 ha đất canh tác, người dân thu nhập thấp, thu ngân sách trên địa bàn không đáng kể. Ông Chu Minh Thanh, Chủ tịch UBND xã Ea M’Doal, cho rằng mặc dù là xã nghèo nhưng với nhận thức tầm quan trọng và đóng góp của những công an viên, thôn đội trưởng, xã vẫn quyết tâm triển khai hỗ trợ đóng BHXH tự nguyên cho lực lượng này. “Theo quy định của nhà nước, ngoài khoản phụ cấp ít ỏi hằng tháng, đội ngũ công an viên các thôn và thôn đội trưởng không có chế độ gì về an sinh xã hội; trong khi đây là lực lượng giữ gìn trật tự trị an ở các khu dân cư, tham gia các hoạt động tuần tra canh gác, đấu tranh chống tội phạm, giúp dân phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, nên có độ rủi ro cao. Do đó, khi đặt vấn đề hỗ trợ đóng BHXH cho anh em, xã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao”, ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, từ nhận thức đó, cuối tháng 2.2019, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ea M’Doal đã họp bàn, thống nhất giao UBND xã có giải pháp hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho lực lượng công an viên, thôn đội trưởng của xã, góp phần động viên đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời đem lại lợi ích an sinh cho họ là lương hưu sau này. Sau đó, UBND xã đã làm việc với cơ quan BHXH H.M’Đrắk thống nhất phương thức xã hỗ trợ một phần chi phí cố định (98.000 đồng/tháng) cho mỗi công an viên, thôn đội trưởng đóng BHXH tự nguyện, còn lại mức tham gia thì tùy từng người quyết định. “Mỗi năm xã được giao chi thường xuyên 300 triệu đồng, chúng tôi tiết kiệm một số khoản chi để trích khoảng 20 triệu đồng thực hiện việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho 16 công an viên và 10 thôn đội trưởng trên địa bàn”, ông Thanh cho biết.

Người dân “rủ nhau” tham gia BHXH

Ngay tại trung tâm xã Ea M’Doal có cơ sở cửa sắt và sửa chữa xe máy mang tên Hồng Việt, ngày ngày rộn ràng tiếng máy cơ khí, người xe ra vào tấp nập. Chủ cơ sở là anh Phạm Hồng Việt (41 tuổi). Khi chúng tôi đến, anh Việt tạm gác công việc để nghe cán bộ BHXH H.M’Đrắk trực tiếp giới thiệu, phổ biến các nội dung về chính sách BHXH tự nguyện. Anh Việt cho biết vợ anh, chị Hồ Thị Thảo, trước đây là công nhân lao động của Công ty TNHH MTV cà phê 715C, từng tham gia BHXH bắt buộc 12 năm. Nay chị Thảo nghỉ việc ở nhà nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đến tuổi nghỉ hưu có thể nhận lương hưu. Chị Thảo cũng động viên anh Việt tham gia BHXH tự nguyện để khi về già cùng có thu nhập từ lương hưu. “Tôi cũng đã tìm hiểu các chính sách, chế độ BHXH tự nguyện từ trước nên chỉ hỏi thêm cán bộ BHXH huyện những nội dung mình còn thắc mắc. Từ tháng 5 trở đi, tôi chính thức tham gia đóng BHXH tự nguyện, vì thấy đây là chính sách hợp lý, thiết thực cho mọi lao động hành nghề tự do như mình”, anh Việt chia sẻ.
Một người hàng xóm với nhà anh Việt, chị Trần Thị Thương (36 tuổi), cũng rất quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Chị cho biết những ngày này bà con làng trên xóm dưới nói chuyện khá nhiều về việc mua BHXH tự nguyện phòng khi tuổi già không còn sức lao động. Nghe chuyện, chị Thương về bàn với chồng là anh Hồ Văn Hiền (hành nghề thợ xây) để cùng mua BHXH tự nguyện và anh Hiền cũng đã nhất trí với vợ. “Vợ chồng tôi đã dự hội nghị ở xã tổ chức, được anh Sơn làm đại lý thu BHXH, BHYT truyền đạt các nội dung thông tin về BHXH tự nguyện. Nay nhiều người trong thôn đã mua BHXH tự nguyện nên vợ chồng càng quyết tâm tham gia. Thời gian đầu, chúng tôi sẽ mua BHXH ở mức thấp, khi làm ăn, dành dụm được khá thì sẽ mua mức cao hơn”, chị Thương cho biết.
Ở thôn 6, xã Ea M’Doal, câu chuyện cả gia đình bà Nguyễn Thị Bình đều tham gia BHXH có sức thuyết phục lan tỏa trong cộng đồng. Bà Bình là công chức tư pháp của xã, chồng bà và con gái đầu là giáo viên, đều tham gia BHXH bắt buộc. Cách đây 4 năm, bà Bình đã mua BHXH tự nguyện với mức gần 1 triệu đồng/3 tháng cho con trai út Trần Văn Hùng (27 tuổi). Anh Hùng cũng là một trong những người đầu tiên ở xã Ea M’Doal tham gia BHXH tự nguyện. Anh tốt nghiệp trung cấp dược, về mở bán quầy thuốc tây nhỏ tại nhà. Bà Bình nói vui nhưng rất thực tế: “Vợ chồng tôi làm công chức, viên chức, lương đủ sống, chỉ mua BHXH tự nguyện cho con như là “của để dành” cho nó. Sau này, khi mình nghỉ hưu thì con có thể đóng tiếp BHXH, như vậy thời gian đóng sẽ được dài hơn”.
Bà Bình cũng cho biết việc mua BHXH tự nguyện cho con trai cũng thu hút sự quan tâm của bà con trong xã. Nhiều người đến hỏi thăm, được bà giải thích cặn kẽ nên hiểu rõ hơn về lợi ích của BHXH tự nguyện, từ đó đăng ký tham gia.
Nhân rộng mô hình Ea M’Doal
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó giám đốc BHXH H.M’Đrắk, cho biết Ea M’Doal là xã đầu tiên triển khai hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho đối tượng công an viên của thôn và thôn đội trưởng ở huyện này. Theo ông Chinh, đây là cách làm hay, thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH. “Chính cách làm hỗ trợ thiết thực đóng BHXH tự nguyện cho đối tượng công tác chỉ hưởng phụ cấp sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến gia đình, người thân của họ; từ đó sẽ tăng thêm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”, ông Chinh nhận định.
Ông Chinh cũng cho biết sắp tới, BHXH H.M’Đrắk sẽ tiến hành đánh giá đầy đủ hiệu quả mô hình này của xã Ea M’Doal và nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Hiện có thêm 3 xã trong huyện là Cư M’ta, Krông Á, Cư San đã nghiên cứu, học tập cách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện như xã Ea M’Doal và có kế hoạch triển khai thực hiện tương tự. “Nếu địa phương nào cũng có nhận thức và quan tâm đến đội ngũ công an viên của thôn và thôn đội trưởng thì việc hỗ trợ này không khó. Vì nguồn hỗ trợ không lớn, có thể có được từ tiết kiệm chi thường xuyên của địa phương, nhưng đem lại tác dụng, hiệu quả lớn trong công tác phát triển BHXH tự nguyện trong cộng đồng”, ông Chinh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.