Nội dung này vừa được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày sáng nay (30.10) tại báo cáo tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa 14.
Xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng
Theo báo cáo này, lĩnh vực thông tin – truyền thông đã được ứng dụng tích cực để cải cách hành chính. Thủ tướng đã giao các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, xây dựng văn bản chỉ đạo, đôn đốc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính nhà nước, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, triển khai các dịch vụ công trực tuyến... Việc làm này đã tăng tính công khai, minh bạch đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Về quản lý dịch vụ internet, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018 ngày 1.3.2018 thay thế Nghị định 72/2013, nhằm “hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các nhà cung cấp dịch vụ, mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội”.
Thủ tướng đang chỉ đạo xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Chính phủ cũng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác với Facebook, Google nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên hai mạng xã hội này.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin - truyền thông triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Trung tâm này đảm nhận nhiệm vụ tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng, chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, phản cảm trên các trang web, mạng xã hội có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, báo cáo của Phó thủ tướng cũng cho biết: “Chính phủ đã xác định rõ ngành công nghiệp nội dung số là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự tăng trưởng của ngành viễn thông, là môi trường kinh doanh, sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thiết lập môi trường để triển khai nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới”.
Do đó, để phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo đánh giá tổng quan về hiện trạng, tiềm năng phát triển, điểm mạnh điểm yếu, những rào cản, thiếu hụt về mặt chính sách, pháp luật, làm việc với các doanh nghiệp nội dung số có thị phần lớn trong các lĩnh vực mạng xã hội, tìm kiếm, thương mại điện tử nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng và hoàn thiện đề án thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái nội dung số.
Chính phủ đã kết thúc thử nghiệm công cụ xếp hạng 200 báo điện theo lượng truy cập
Về công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá trang thông tin điện tử theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng, triển khai các chính sách quản lý nhà nước đối với thông tin trên Internet phù hợp, từ năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin - truyền thông triển khai thực hiện dự án “Đầu tư trang thiết bị, công cụ, phần mềm đánh giá xếp hạng trang thông tin điện tử và nội dung thông tin trên Internet phục vụ công tác quản lý nhà nước”.
Theo đó, dự án được đầu tư trang thiết bị, phần mềm và trung tâm dữ liệu cho phép thực hiện việc đo lường, đánh giá xếp hạng khoảng 200 trang báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trực tuyến, do cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp phép, quản lý (tên miền .vn hoặc .com.vn) bao gồm các trang báo, tạp chí điện tử; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của Việt Nam có máy chủ đặt tại nước ngoài và một số trang nước ngoài có lượng người truy cập cao tại Việt Nam.
Thực hiện việc đo lường định lượng người truy cập trên Internet trên các hạ tầng nghiên cứu khác nhau. Hiện nay, dự án đã kết thúc giai đoạn 1 - triển khai thử nghiệm và đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Về thực hiện luật Báo chí, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức phổ biến, triển khai Luật Báo chí, tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí. "Công tác quản lý nhà nước về báo chí ngày càng chủ động, bám sát hơn với thực tế đời sống, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác", báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ thường xuyên có chỉ đạo đối với các cơ quan báo chí, tăng cường thông tin tích cực, thông tin về người tốt việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sự phấn khởi, lạc quan của người dân đối với xã hội, qua đó đẩy lùi cái xấu.
Kịp thời cung cấp thông tin và chỉ đạo báo chí tham gia tích cực vào công tác đấu tranh với các luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Bên cạnh việc tổ chức, quản lý thông tin tốt, công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử được quan tâm nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” các tạp chí; xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của cá nhân.
Kể từ sáng nay (30.10), hoạt động chất vấn của Quốc hội bắt đầu và sẽ kéo dài trong 3 ngày. Do đây là chất vấn giữa nhiệm kỳ nên cách thức tiến hành chất vấn có nhiều đổi mới. Thay vì chọn các chức danh trả lời chất vấn, chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm chất vấn, các ĐBQH sẽ được chọn chất vấn bất cứ chức danh nào, về bất cứ lĩnh vực nào. Phương thức chất vấn nhanh tiếp tục được thực hiện, theo đó các ĐBQH có 1 phút để đặt câu hỏi, người được chất vấn sẽ trả lời ngày và có tối đa 3 phút để trả lời, ĐBQH có tối đa 2 phút để tranh luận và được tranh luận không quá 2 lần.
|
Bình luận (0)