Những ngày qua, người dân sống cạnh tuyến kênh Bắc thường xuyên phát hiện xác lợn trôi lềnh bệnh trên kênh.
Sáng 24.6, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, ngay tại cống chặn tuyến cuối của kênh Bắc ở phường Phú Sơn (thành phố Thanh Hóa), gần cửa lấy nước của Nhà máy nước sạch Thanh Hóa, có 3 xác lợn con chết.
|
Tại đây, 2 xác lợn đã được lực lượng túc trực vớt rác ở cống vớt lên bãi rác cạnh đó, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bám đầy xung quanh. Dưới cửa cống, xác lợn còn lại đang thối rữa nổi lênh bềnh.
Theo các công nhân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực này, các xác lợn trên không thể xác định được xuất phát từ đâu, do người dân ở khu vực nào ném xuống kênh, vì toàn tuyến kênh Bắc dài hơn 50 km, chạy qua các khu dân cư của nhiều huyện.
|
Việc người dân thiếu ý thức vứt xác lợn chết xuống kênh, không rõ lợn do ốm chết vì bệnh gì và có phải lợn bị dịch tả châu Phi hay không đang tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, đặc biệt là gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước sạch Thanh Hóa, thuộc Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa.
Phóng viên tiếp tục ghi nhận dọc tuyến kênh Bắc từ thành phố Thanh Hóa ngược lên huyện Thiệu Hóa, không chỉ có xác lợn chết, xác các gà, chuột… thậm chí cả nội tạng lợn cũng xuất hiện nhiều, nổi lênh bềnh trôi dọc tuyến kênh.
Ngoài ra, tình trạng người dân dọc hai bên tuyến kênh xả rác xuống kênh, giặt giũ quần áo, thải nước thải ra kênh cũng đang khiến nguồn nước trên kênh Bắc bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
|
Ông Nguyễn Huy Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa, cho biết tuyến kênh Bắc hiện nay do Công ty TNHH MTV sông Chu quản lý và cung cấp nước thô cho Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa để sản xuất nước sạch cho người dân.
"Do đó, kênh Bắc có vai trò rất quan trọng. Việc bảo vệ môi trường cho nguồn nước là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Đương nhiên nước sạch do nhà máy sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định trước khi đến với người dân, nhưng nếu nguồn nước thô được đảm bảo chất lượng thì việc sản xuất nước sạch sẽ bớt khó khăn hơn", ông Nam nói.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Thủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV sông Chu, xác nhận đúng là sáng 24.6 có phát hiện 3 xác lợn trên kênh Bắc, ở khu vực cửa cống thuộc phường Phú Sơn (thành phố Thanh Hóa). Ông Thủy cho biết thêm, thi thoảng vẫn phát hiện xác lợn và xác các loại động vật khác do người dân vứt xuống kênh Bắc trôi về cuối nguồn, nên công ty phải bố trí lực lượng túc trực để vớt và chôn lấp.
"Ngày nào công ty cũng bố trí lực lượng đi vớt rác và xác các loại động vật vứt xuống kênh, sau đó đem đi chôn lấp. Tình trạng xác lợn không phải hiếm, thi thoảng vẫn có. Nhiều năm nay chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương kênh Bắc chảy qua để tổ chức các cuộc tuyền truyền cho người dân không vứt rác, xác động vật xuống kênh để đảm bảo vệ sinh nguồn nước thô, tuy tình hình có thuyên giảm, những vẫn còn", ông Thủy nói.
|
Tuyến Kênh Bắc dài hơn 50 km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) trên sông Chu, sau đó chảy qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và về thành phố Thanh Hóa.
Kênh Bắc ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương, còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân thành phố Thanh Hóa và vùng lân cận, với lưu lượng hơn 50.000 m3/ngày đêm. Do vậy, kênh Bắc có vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân.
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết ngày 23.6, toàn tỉnh đã xảy ra 4.720 ổ dịch, trên địa bàn 328 xã của 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn bị nhiễm dịch đã phải tiêu hủy là 43.735 con với tổng trọng lượng hơn 3.000 tấn.
|
Bình luận (0)