Trước đó, ngày 2.5, nhóm nghiên cứu khoa học độc lập do ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng khoa khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, làm trưởng nhóm đã về UBND xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, đề cập việc tìm kiếm di chỉ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực cống Cá, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết.
Ngày 6.5, nhóm này phát hiện 2 tấm bia đá có nhiều chữ nho ở sát sông, thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết. Bia có chiều cao khoảng 40 cm, chiều ngang 30 cm và dày 7 cm. Nhóm đã dịch sơ bộ và cho rằng, 2 tấm bia có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đến sáng 7.5, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Lãng đã có buổi làm việc với nhóm nghiên cứu. Nhóm tự giới thiệu là nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập thuộc Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhưng không mang theo bất cứ giấy tờ liên quan đến đợt nghiên cứu. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Lãng đã đề nghị nhóm nghiên cứu kể trên dừng hoạt động và bàn giao 2 bia đá cho địa phương.
Ngày 8.5, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng ra công văn khẳng định việc thăm dò, nghiên cứu của nhóm do ông Nguyễn Văn Vinh làm nhóm trưởng là sai quy định của pháp luật, vì chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đề nghị UBND huyện Tiên Lãng có biện pháp bảo vệ khu vực tìm thấy 2 bia đá, cũng như bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. UBND thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao báo cáo vụ việc trước ngày 20.5.
Đáng chú ý, khi hình ảnh 2 tấm bia đá trên được chia sẻ trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng đó là 2 tấm bia "do ai đó tạo ra".
Tại diễn đàn nổi tiếng về Hán Nôm là trang facebook "Hán nôm kinh kỳ" đã đưa ra nhiều ý kiến bức xúc về 2 tấm bia trên. Một thành viên của diễn đàn này phân tích: dòng chính tấm bia trông có chỗ không thực rõ. Chữ Triều không ổn, ở Việt Nam, chưa bao giờ triều nọ triều kia viết thế...
Thành viên Nguyễn Hải thì cho rằng: “Chắc chắn không thể là mộ cụ Trạng. Cụ là một nhân vật kiệt xuất thế kỷ 16, khi cụ mất, trực tiếp triều đình nhà Mạc tổ chức tang lễ, hơn nữa học trò của cụ rất nhiều người giỏi, không thể làm ra cái bia đó. Có ý kiến còn cho rằng các vết nứt, mờ trên bia đều có thể do kỹ thuật hiện tại tạo ra được".
Chiều 17.5, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng, cho biết đoàn kiểm tra của Sở này đang tiến hành xác minh làm rõ 2 bia đá trên.
Trước đó, đầu năm 2017, dư luận ở Hải Phòng cũng xôn xao thông tin về 1 hộp gỗ có chứa thẻ tre ở nhà bà Bùi Thị Hiền (xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) và cho rằng, đó là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó khẳng định không đủ căn cứ để nói đó là mộ Trạng Trình.
Bình luận (0)