'Xách tay' 11,5 kg ma túy, 4 tiếp viên hàng không đối mặt những tình huống pháp lý nào?

18/03/2023 10:03 GMT+7

Với việc "xách tay" số lượng ma túy lên tới 11,5 kg, các chuyên gia pháp luật đã chỉ ra nhiều tình huống pháp lý mà nhóm tiếp viên hàng không sẽ phải đối mặt.

Chi cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp cùng Công an TP.HCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan điều tra, xác minh vụ 4 tiếp viên hàng không xách gần 11,5 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp từ Pháp về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Thông tin ban đầu, số hàng này được cất giấu trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên.

Khai với cơ quan chức năng, họ cho hay, tại Pháp có một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường. Khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

'Xách tay' 11,5 kg nghi ma túy, tiếp viên Vietnam Airlines có bị xử lý hình sự?   - Ảnh 1.

Thuốc lắc và ma túy được đóng trong những tuýp kem đánh răng

HQ TP.HCM

Nhiều người đặt câu hỏi: với hành vi "xách tay" số lượng chất cấm rất lớn như vậy, các nữ tiếp viên hàng không sẽ bị xử lý như thế nào, liệu có phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy?

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), để xác định nhóm nữ tiếp viên có phạm tội hay không cần có kết quả giám định về thành phần, hàm lượng các chất ma túy có trong các viên nén và chất bột bị tạm giữ; đồng thời phải làm rõ ý thức chủ quan của họ trong việc mang số ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Trường hợp có đủ cơ sở cho thấy nhóm này biết số hàng hóa bên trong là ma túy nhưng vẫn đưa về, sẽ có 2 khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất, nếu mang ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán hoặc tàng trữ trái phép thì có dấu hiệu phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, quy định tại điều 250 bộ luật Hình sự.

Xem nhanh 20h ngày 19.3: Góc nhìn luật sư vụ 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines | Cuộc sống tạm bợ ở Mả Lạng

Khả năng thứ hai, nếu vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì có dấu hiệu phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm, quy định tại điều 251 bộ luật Hình sự. Cả 2 tội danh này đều có khung hình phạt cao nhất đến tử hình.

Một dấu hỏi cũng cần đặt ra: vì sao chỉ xách giúp một số lượng nhỏ kem đánh răng và nước súc miệng nhưng người nhờ sẵn sàng bỏ ra tới 10 triệu đồng cho nhóm tiếp viên, rõ ràng có sự không bình thường.

Tuy nhiên, như đã nói, để có căn cứ xử lý, cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh tội phạm bằng việc lấy lời khai, thu thập tài liệu chứng cứ, xem xét, đánh giá toàn bộ thông tin trong vụ việc, nhằm xác định hành vi của nhóm tiếp viên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra mà không chứng minh được nhóm tiếp viên biết số hàng "xách tay" có chứa ma túy bên trong, chỉ vô tình bị lừa gạt khi được nhờ xách hộ về Việt Nam, sẽ không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với họ.

Tình huống này cũng giống như một số vụ án ném ma túy vào ô tô để trả thù xảy ra thời gian qua. Mặc dù chủ phương tiện bị bắt quả tang cùng với số ma túy trên xe, nhưng quá trình điều tra, công an làm rõ người này không biết có số ma túy, không tham gia đường dây mua bán, cũng không biết ma túy từ đâu mà có… nên không bị xử lý.

Dù vậy, kể cả trường hợp không bị xử lý hình sự, hành vi "xách tay" của nhóm tiếp viên cũng cần phải xử lý nghiêm, bởi có dấu hiệu tiếp tay cho hàng lậu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.