Có thể hình dung thế này, muốn phát triển công nghiệp ô tô, VN cần sự tham gia của các thương hiệu xe hơi lớn trên thế giới. Những doanh nghiệp (DN) này sẽ dẫn đầu và định hướng cho các DN Việt đi theo. Đổi lại, chúng ta dành cho họ rất nhiều ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, chi phí sản xuất (giá điện, nhân công...) thấp hơn nhiều so với thế giới. Đặc biệt, chúng ta cũng dựng lên hàng rào thuế quan rất cao để họ toàn quyền phân phối tại thị trường nội địa mà xe nhập nguyên chiếc không có cửa để cạnh tranh.
Thế nhưng, sau 2 thập niên, ngành công nghiệp ô tô VN vẫn giậm chân tại chỗ, sự lan tỏa của các DN ô tô nước ngoài với DN nội là cực kỳ khiêm tốn. Các DN Việt hầu như không tham gia được vào chuỗi cung cấp linh kiện của nhóm DN ngoại. Đến giờ, khi thuế giảm, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực ASEAN giảm mạnh và xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh thì các hãng này tuyên bố rút lui.
Đó là điều tất yếu và là quyền của DN. Có lợi thì làm, không có lợi thì phải tính toán lại bài toán kinh doanh sao cho hiệu quả nhất. Chúng ta không thể oán trách họ nhưng hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta phải xem xét lại vấn đề thu hút, sử dụng và đặc biệt là ưu đãi cho các DN FDI. Mong muốn của chúng ta khi ưu đãi cho các DN FDI, đặc biệt là các tên tuổi lớn trên thế giới vào VN để tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế, để DN trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà các ông lớn này tạo ra, để “nâng cấp” nền kinh tế khi hấp thụ được công nghệ, quản trị từ các DN FDI.
Tuy nhiên, không dễ gì các DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Tới nay, DN FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu, “ôm trọn” xuất siêu của VN. Nhiều thương hiệu lớn của VN đã bị thôn tính, nhường chỗ cho sản phẩm nước ngoài...
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Rất nhiều đại gia nước ngoài đầu tư vào VN từ 10 - 20 năm nhưng không đóng một đồng thuế nào; hàng loạt tên tuổi dính nghi án chuyển giá, trốn thuế; các ông trùm công nghệ như Google, Facebook cho tới các trang đặt phòng trực tuyến đều vô tư kinh doanh kiếm tiền ở VN nhưng lờ đi chuyện nộp thuế... Rõ ràng, các chính sách ưu đãi, rồi việc không kiểm soát được thuế đang tạo ra một môi trường kinh doanh không bình đẳng cho các DN nội.
Những đóng góp của vốn FDI là không thể phủ nhận, nhưng nền kinh tế vững mạnh vẫn phải dựa vào nội lực, là các DN trong nước. Dù muộn thì chúng ta vẫn phải bắt tay vào “lọc” ưu đãi cũng như có các chính sách để kéo các DN trong nước cùng tham gia, cùng lớn mạnh song hành với DN ngoại, chứ không để DN FDI lợi dụng ưu đãi để thu lợi, rồi xài hết ưu đãi lại ra đi nữa.
Bình luận (0)