Xăm hồng nhũ hoa, người phụ nữ bị nhiễm trùng, chảy dịch vàng

Lê Cầm
Lê Cầm
30/09/2024 13:58 GMT+7

Người phụ nữ (36 tuổi) đi xăm hồng quầng vú ở một spa gần nhà, sau xăm thấy đau rát nhiều.

Sau vài ngày, vùng xăm rỉ dịch vàng liên tục và một vài chỗ đóng mài màu mật ong kèm đau rát nhiều hơn nên người phụ nữ đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám bệnh.

Ngày 29.9, thạc sĩ - bác sĩ Lê Thảo Hiền (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết bệnh nhân bị viêm da nhiễm trùng và được kê toa kháng sinh uống, kháng viêm uống và thuốc bôi. Sau 1 tuần thì vùng xăm khô lại và giảm đau rát.

Trước đó, một bệnh nhân nam (14 tuổi, ngụ Đồng Nai) nghe lời quảng cáo trên mạng xã hội đã thuê một "thợ xăm" về nhà để xăm lên ngực. Sau xăm 1 tháng, bệnh nhân thấy vùng xăm nổi lên nốt màu trắng và sau đó lan nhiều hơn nên đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán u mềm lây sau xăm mình. U mềm lây là một trong những tai biến do virus sau xăm. Bệnh nhân đã được điều trị bằng cách nạo lấy thương tổn trên da, sau 1 tuần da lành tốt.

Xăm hồng nhũ hoa, người phụ nữ bị nhiễm trùng, chảy dịch vàng- Ảnh 1.

Vùng da bị nhiễm trùng của người phụ nữ sau xăm mình

ẢNH: BSCC

Tai biến sau xăm mình là một vấn đề phức tạp

Theo bác sĩ Thảo Hiền, tai biến sau xăm mình là một vấn đề phức tạp và gây khó khăn trong điều trị. Các tai biến được chia thành hai dạng cấp tính và mạn tính. Tai biến cấp tính thường xuất hiện sau xăm vài ngày đến vài tuần và được chia thành các nhóm như phản ứng viêm sau xăm bao gồm viêm da tiếp xúc dị ứng; viêm da do ánh sáng; đợt bùng phát của một số bệnh da viêm - tự miễn (vảy nến, bạch biến, lichen phẳng...) nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm) và nặng nhất là tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân.

Trong khi đó, tai biến mạn tính xuất hiện sau xăm vài tháng đến vài năm và được chia thành các nhóm như nhiễm vi khuẩn lao điển hình hoặc không điển hình; phát ban dạng sẩn nốt; phản ứng u hạt; sẹo (sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo xấu) và thậm chí là ung thư da.

Nguyên nhân gây các tai biến nhiễm trùng là do quy trình xăm không tuân thủ nguyên tắc vô trùng, da sau xăm không được chăm sóc đúng cách. Tai biến do các phản ứng viêm chủ yếu là do cơ địa dị ứng với chính chất liệu và màu của mực xăm, một số trường hợp là do cơ thể đã có sẵn bệnh da viêm tự miễn nhưng chưa được điều trị tốt như vảy nến, bạch biến... Ngoài ra, sẹo sau xăm là do thợ xăm đã xăm mực quá sâu vào trong da, do cơ địa sẹo lồi sẵn có của người được xăm.

Xăm hồng nhũ hoa, người phụ nữ bị nhiễm trùng, chảy dịch vàng- Ảnh 2.

Vùng xăm xuất hiện các nốt trắng

ẢNH: BSCC

Phòng ngừa tai biến sau xăm

Bác sĩ Hiền cho biết, cách phòng ngừa tai biến sau xăm bao gồm lựa chọn một nơi xăm mình đã được cấp phép hoạt động, không xăm quá nhiều màu mực, tránh xăm các màu dễ gây dị ứng (đỏ, cam, tím), điều trị các bệnh da viêm tự miễn cho ổn định trước khi xăm. Bên cạnh đó, sau xăm cần bôi thuốc giảm viêm, thuốc phục hồi da và tránh tiếp xúc ánh nắng trong vòng ít nhất 1-2 tháng sau khi xăm.

Nếu có các bệnh da viêm - tự miễn (vảy nến, viêm da cơ địa, bạch biến, lichen...) hoặc đang bị nhiễm trùng vùng da dự tính xăm mình thì phải điều trị ổn định trước khi xăm... Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường, cần đến bác sĩ da liễu khám để điều trị tai biến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.