Xâm thực bờ biển cửa Đại: Kè cứng đã… mềm

Hữu Trà
Hữu Trà
03/05/2018 14:00 GMT+7

Sóng dữ lại phá nát hơn 700m bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) và tiếp tục đặt ra bài toán khó cho giải pháp kè cứng tại đây...

Khoảng 714m kè mái taluy bằng tấm lát bê tông từ khách sạn Sunrise đến khách sạn Fusionalya (đầu tư xây dựng năm 2012) đã bị hỏng nặng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết phần móng và 3 hàng lát mái taluy bằng tấm bê tông từ vị trí chân khay lên phía đỉnh kè bị hư hỏng nặng.
Qua khảo sát của đơn vị tư vấn, hiện phần thân toàn tuyến đã bị rỗng, khoảng cách giữa tấm lát thân kè và phần đất thân kè rỗng từ 0,8 - 2m, tạo thành những hàm ếch lớn. Thậm chí, có những vị trí mái kè bị sụt lún có độ rỗng trên 3m gây mất an toàn cho tuyến kè.
Như Thanh Niên đã thông tin, UBND TP.Hội An đã đề xuất khoản kinh phí 27 tỉ đồng để sửa chữa tuyến kè dài 714 m. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ sửa chữa các vị trí sụt lún cục bộ, tháo dỡ các khối bê tông và phần hệ dầm đã bị lún, vệ sinh phần dưới thân kè; trải vải địa kỹ thuật, đệm đá dăm… Giai đoạn 2 xây dựng các kè mỏ hàn tạo bồi, giảm sóng trước chân kè bằng đá hộc, xây dựng các tuyến đê phía ngoài kè mỏ hàn để hạn chế áp lực sóng tác động đến tuyến kè
Đây là hậu quả từ những đợt sóng lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh và các đợt mưa bão từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018. Gần đây, sóng dữ tác động mạnh khiến thân kè nứt gãy.
Đầu tháng 4, trên tuyến kè xuất hiện thêm 2 vị trí nứt gãy hoàn toàn với chiều dài dọc thân kè khoảng 60m. Đặc biệt, tại vị trí đoạn kè đặt tuyến cáp điện ngầm ra đảo Cù Lao Chàm, xói lở nghiêm trọng đang đe dọa tuyến cáp…
Cảnh báo "nuốt" cả tuyến đường
Trước diễn biến bất thường này, chính quyền TP.Hội An chỉ đạo xử lý khẩn cấp bằng túi đựng cát, đổ cát vào các hàm ếch nhằm hạn chế xâm thực và sạt lở lan rộng. Công ty Điện lực Quảng Nam cũng gia cố đoạn mái kè bị sụt lún tại vị trí có tuyến cáp điện ngầm ra đảo Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, do sóng lớn đã hút phần lớn cát từ trong thân kè lát bê tông nên hiệu quả của việc “đắp trám” gần đây không mang lại hiệu quả đáng kể, thậm chí nhiều điểm còn sạt lở nặng hơn. Vì vậy, BQL dự án đầu tư xây dựng Hội An hợp đồng với Trung tâm trắc địa công trình và địa chính đã vào cuộc khảo sát địa hình, phần ngầm của tuyến kè để tìm phương án gia cố, sửa chữa phù hợp.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi thị sát hiện trường, nghe ý kiến các chuyên gia, đơn vị tư vấn... cũng đã cảnh báo về tính nghiêm trọng của quá trình xâm thực, cần thiết phải đưa vào danh mục công trình cấp bách để khẩn trương thi công, vừa thi công vừa thiết kế và hoàn thành trước mùa mưa bão 2018. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến kè cứng liên tục bị sóng biển uy hiếp vẫn đang “truy tìm”, tiếp sau nhiều hội thảo. Về hướng xử lý kỹ thuật để giữ kè, ông Thanh yêu cầu đổ đá dưới chân hố, trải vải địa rồi bơm cát kết hợp với vữa bê tông đông cứng nhanh làm cứng phần mặt, sau đó lót lại tấm bê tông như hiện trạng. “Nếu không làm kịp, cả tuyến đường Âu Cơ đi cảng Cửa Đại cũng như hạ tầng và khu dân cư bên trong sẽ bị sóng biển đánh sụp, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp”, ông Thanh nói.
Trong khi chính quyền tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm phối hợp với các chuyên gia đầu ngành, viện nghiên cứu tiếp tục tìm thêm giải pháp khắc chế tình trạng xâm thực, ông Lê Trí Thanh “đặt hàng” các chuyên gia và TP.Hội An nghiên cứu dòng chảy, hướng chảy, hướng sóng, lập phương án nuôi bãi tạo bờ… Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ven bờ biển được yêu cầu hạn chế xây dựng công trình sát biển và phải báo cáo với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nếu tự đầu tư xây dựng kè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.