“Ét o ét” là cụm từ được bạn trẻ dùng phổ biến trong thời gian qua, là cách đọc chữ “SOS” thường được dùng trong những trường hợp cấp bách, khẩn cấp cần cứu. Nay xăng tiếp tục tăng giá gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, bạn trẻ lại “ét o ét” vì lao đao giữa “bão giá”.
Sốc với giá xăng tăng
Hôm trước, khi nghe tin giá xăng tăng, Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cầu mong chuyện này không xảy ra, nhưng đến cuối giờ chiều, thông tin chính thức giá xăng đã tăng gần chạm mốc 30.000 đồng/lít.
Người lao động, sinh viên... đều “phát hoảng” khi xăng lại tăng giá |
Đức so sánh: “1 lít xăng hơn cả 1 phần ăn sáng. Phần ăn mà 30.000 đồng là quá đầy đủ và có phần sang chảnh với sinh viên”.
Đức cho biết từ hôm giá xăng tăng tới giờ, những sinh viên như Đức đã đồng loạt “ét o ét” trước viễn cảnh những ngày tới phải tiết kiệm chi tiêu từng đồng, thậm chí dù đi học xa nhưng xe máy vẫn cất ở nhà vì “tiền đâu đổ xăng cho nổi”!
“Nhiều bạn đi học bằng xe máy từ nội thành ra làng đại học Thủ Đức, khi xăng chưa tăng giá đổ 50.000 đồng chạy 2 hôm, còn bây giờ giá xăng lên cao chắc chạy xe máy nửa đường phải dắt bộ quá. Đây là vấn đề không riêng của các bạn trẻ mà người lớn - những người đi làm xa hay các shipper cũng phải than trời”, Đức chia sẻ.
Đức cũng cho biết từ khi xăng tăng giá những lần trước đến giờ đã chuyển sang đi học bằng xe buýt, còn đi đâu gần thì đạp xe: “Mấy nay đa số sinh viên chuyển sang dùng xe buýt công cộng để di chuyển luôn rồi. Vì thế nên xe buýt càng đông hơn, nhiều khi đi nội thành ra Thủ Đức phải đứng cả tiếng đồng hồ”.
Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu TP.HCM), thì bày tỏ: “Em thật sự hoang mang vì giá xăng chạm mốc gần 30.000 đồng. Một tháng sinh viên tụi em phải chi đủ thứ tiền, nào là trọ, điện, nước và ăn uống, phí sinh hoạt... Xăng tăng giá nên em cũng lo các mặt hàng khác tăng giá theo, kéo theo nhiều gánh nặng cho sinh viên”.
Bạn trẻ “ét o ét” khi xăng tăng giá |
Nữ Vương |
Mệt mỏi toàn tập
Chị Trần Thị Minh Hằng (30 tuổi), ngụ chung cư Fresca Riverside, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, thì mỗi ngày phải đi làm từ Thủ Đức tới Q.3, đường xa nên tiền xăng luôn là nỗi bận tâm của vợ chồng cô. “Bình thường đi làm tốn khoảng 300.000 đồng tiền xăng/tháng, mấy nay phải tốn thêm kha khá, chưa kể tiền xăng xe chồng mình nữa. Đáng lo hơn là giá xăng tăng kéo đủ thứ tăng theo: ăn sáng mọi khi 30.000 đồng nay phải hơn 40.000 đồng, tiền ăn trưa cũng lên, cà phê cũng lên giá, tiền gas cũng lên... Cái gì cũng tăng sao chịu nổi?”, Hằng thở dài.
Mọi người chọn giải pháp đi xe buýt hoặc xe đạp, nhưng Hằng thì không thể, vì: “Nhà xa đâu thể đi xe đạp, còn công việc của mình phải đi nhiều nơi nên cũng không thể đi xe buýt. Nói chung phải cắn răng mà đổ xăng để đi, chứ biết sao giờ. Vật giá càng lên thì người lao động càng khổ”.
Mới xin lại được công việc ổn định sau dịch chưa được bao lâu, mỗi ngày Nguyễn Thị Thương (25 tuổi), ngụ hẻm 71 Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, phải đi về hơn 30 km nên khi nghe tin giá xăng tăng cô rầu rĩ: “Mệt mỏi toàn tập luôn. Lương thì đang ở mức thử việc, chưa chính thức vì sau dịch mình đã chuyển 2 chỗ làm do chưa tìm được việc phù hợp. Lúc tìm được thì chỗ làm lại xa, chắc giờ lại tính việc chuyển trọ. Mà nhà trọ ở trên trung tâm lại đắt đỏ, chưa biết tính sao đây. Giá xăng thế này có nước nhịn ăn để đổ xăng đi làm quá”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp chia sẻ 5 cách giúp bạn trẻ tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn vật giá leo thang này |
Tiết kiệm chi tiêu thế nào giữa “bão giá” ?
Trước việc xăng tăng giá và các mặt hàng khác cũng có xu hướng tăng theo, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp, giảng viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, chỉ ra 5 cách giúp bạn trẻ tiết kiệm được chi tiêu.
Đầu tiên, theo chị Điệp, việc tiết kiệm nhất lúc này là đi xe buýt. Đây là giải pháp tối ưu dành cho người đi làm và sinh viên, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh được tình trạng khói bụi ô nhiễm.
Thứ hai, nếu bắt buộc phải sử dụng phương tiện riêng để di chuyển, chúng ta nên dùng Google map để tìm các tuyến đường ngắn nhất, nhanh nhất và không kẹt xe…
Có một thực trạng là nhiều bạn trẻ có thói quen mua sắm trực tuyến. Trong tình hình giá cả tăng vọt như hiện nay, để hạn chế việc chi tiêu quá đà dẫn đến tình trạng “cháy túi”, chị Điệp cho rằng phương pháp đơn giản hiệu quả nhất vẫn là mua đủ, mua đúng và chỉ mua khi thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, việc ăn uống tiết kiệm, hợp lý cũng là một lựa chọn. Thay vì chọn ăn ở hàng quán, chúng ta có thể tự nấu nướng tại nhà và mang cơm đi làm để tiết kiệm.
“Và cuối cùng, thay vì tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài, hay đi mua sắm, ăn uống vào dịp cuối tuần, thời gian nghỉ ngơi thì nên chọn giải pháp ở bên gia đình, đây sẽ là khoảnh khắc quý giá bên những người thương yêu”, chị Điệp chia sẻ cách vừa hạn chế chi tiêu vừa gắn kết được các thành viên trong gia đình.
Bình luận (0)