Với việc phê chuẩn thỏa thuận cho phép NATO sử dụng lãnh thổ, quốc hội Thụy Điển không chỉ làm cho quan hệ của quốc gia Bắc Âu này với NATO trở nên rất đặc biệt mà trong thực chất đã làm cho Thụy Điển tiến thêm một bước rất dài và với ý nghĩa chính trị cũng như pháp lý rất đáng kể để trở thành một thành viên không chính thức của NATO.
Tuy vẫn quả quyết duy trì chính sách trung lập và không liên kết cũng như không có ý định gia nhập NATO, nhưng với việc để cho khối này sử dụng lãnh thổ của mình để huấn luyện, tập trận và sử dụng căn cứ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở khu vực, Thụy Điển trong thực chất đã định hướng chính sách không tương thích với những quả quyết nói trên.
|
Cách hành xử như thế của Thụy Điển không khác gì nhiều so với Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Tất cả đều muốn lôi kéo NATO vào việc đảm bảo an ninh cho mình. Tất cả đều lợi dụng chuyện xảy ra ở Ukraine để thổi phồng mối đe dọa an ninh từ Nga đối với mình để buộc NATO phải xòe ra cái ô bảo hộ an ninh.
Không phải NATO không nhận ra là bị các đối tác này lợi dụng, nhưng bản thân NATO cũng có lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài trong việc lôi kéo các nước này. NATO cần tác dụng thực chất chứ không coi trọng ý nghĩa danh nghĩa. Nga phản đối quyết liệt việc NATO mở rộng ra sát biên giới Nga và không thể không cảm thấy bất an khi NATO lôi kéo được những quốc gia Bắc Âu vốn vẫn coi chính sách trung lập là một trong những bản sắc chính trị nổi bật nhất của đất nước. Cái cách xanh vỏ, đỏ lòng này tiện lợi cho NATO và Thụy Điển về mọi bề.
Bình luận (0)