Chiều 8.11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã báo cáo Quốc hội tờ trình dự án luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo dự luật, nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm ngân sách nhà nước, quỹ đầu tư phát triển; ngân sách địa phương; nguồn vốn vay, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn vay nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm nguồn vốn, nhân lực, đất đai và triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ.
Trong đó, với nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách T.Ư được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hằng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân.
Ngoài ra, Thủ tướng quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, dự thảo luật cũng quy định cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Báo cáo thẩm tra, trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng việc phân loại các chế độ, chính sách trong dự thảo luật theo từng đối tượng, nhóm đối tượng là hợp lý. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng các chế độ, chính sách còn tản mạn, thiếu tính khái quát.
Cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, cần quy định cụ thể, minh bạch hơn về chế độ, chính sách.
Ngoài ra, cần bảo đảm thống nhất với Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và bảo đảm tính khả thi.
Về bảo đảm nguồn lực, nhất trí với dự thảo luật, song Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp. Đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm cho công nghiệp an ninh quốc phòng.
Bình luận (0)