Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, 'tư duy mới' của tỉnh Vĩnh Phúc

18/09/2023 20:22 GMT+7

Mô hình làng văn hóa kiểu mới là tư duy hoàn toàn mới của Vĩnh Phúc trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nông thôn theo hướng: nông dân thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Dự kiến đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng 60 làng văn hóa kiểu mẫu.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh phát biểu như trên tại hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía bắc lần thứ 28, với chủ đề: Báo Đảng địa phương với nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu, do Báo Vĩnh Phúc tổ chức ngày 18.9. 

Làng văn hóa kiểu mẫu không song trùng xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh chia sẻ về chương trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu khi phát biểu tại hội thảo

BVP

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo 25 báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên.

Ông Phạm Hoàng Anh nhấn mạnh, từ một tỉnh nghèo, thuần nông khi mới tái lập, đến nay Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành địa phương phát triển khá toàn diện và luôn duy trì trong nhóm 15 tỉnh, thành phố thu ngân sách cao nhất cả nước; nhiều năm liên tục đứng trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục.  

Với quan điểm xuyên suốt "để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh", trong nhiều nhiệm kỳ qua, các chủ trương, chính sách của Vĩnh Phúc đều hướng đến nhân tố con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển và đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến hết tháng 6, Vĩnh Phúc có 89 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Phạm Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, để tiếp nối những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Đây là cách tiếp cận mới, một tư duy hoàn toàn mới của Vĩnh Phúc trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nông thôn mới theo hướng: nông dân thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.

"Mục tiêu hướng đến của Vĩnh Phúc là xây dựng những thôn, làng có cơ sở hạ tầng hiện đại, cảnh quan kiến trúc khang trang. Người dân có đời sống văn hóa tinh thần phong phú; kinh tế các hộ gia đình phát triển, thu nhập được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên và nâng cao, để làng quê không chỉ là nơi ở mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương; nơi cân bằng cảm xúc, với môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên; với những tập tục, hương ước, quy ước tiến bộ mà người dân tự giác thực hiện", ông Hoàng Anh nói.

Cũng theo ông Hoàng Anh, trong mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, người dân đóng vai trò là chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện, vừa là người được thụ hưởng thành quả. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, trụ đỡ với hệ thống 16 chính sách đặc thù đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành 60 làng văn hóa kiểu mẫu và không song trùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Làng văn hóa kiểu mẫu không song trùng xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo

BVP

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng đa số người dân nông thôn hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh. Trong truyền thông về nông thôn mới, các tờ báo Đảng chủ động, tích cực đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền để tiếp cận độc giả ở khu vực nông thôn. 

Các cơ quan báo chí tích cực phát hiện, sáng tạo phương thức tuyên truyền phù hợp, hấp dẫn, lan tỏa những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Lâm nhấn mạnh, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa kiểu mẫu cần chú trọng tới việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Điều này không chỉ có tác dụng trong hiện tại, mà còn có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững vì tương lai.

Theo đó, cơ quan báo Đảng các địa phương phải xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cần chú trọng tới công tác tuyên truyền về văn hóa, phải coi văn hóa là yếu tố căn bản, cơ bản để có xã nông thôn mới nâng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.