Sử dụng điện thoại để đọc QR code về hiện vật, dùng các màn hình với hình ảnh động… là cách TP.HCM đang áp dụng để xây dựng bảo tàng thông minh. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào bảo tàng là rất cần. Đây là một xu hướng nhiều bảo tàng đã áp dụng. Thế nhưng, muốn làm tốt vẫn phải dựa trên trưng bày cơ bản tốt, nền tảng nội dung tốt. Nếu trưng bày cơ bản không tốt, tất cả những việc đó chỉ mang tính chất hình thức, tốn tiền. Câu chuyện không xúc động thì có dùng QR code cũng sẽ chỉ thành thứ mờ nhạt, chung chung, vô duyên. Khi các bảo tàng còn nghèo thì nên tập trung vào đổi mới nội dung trước khi triển khai công nghệ để thành bảo tàng thông minh.
Có bảo tàng thông minh với hệ thống thuyết minh, các video, hình ảnh ảo rồi, liệu bảo tàng có cần đến các hướng dẫn viên không, thưa ông?
Bảo tàng thông minh và hướng dẫn viên là hai việc khác nhau. Khách thăm bảo tàng cần thông tin thì ta phải có đủ thông tin cho họ. Thứ hai, họ cần thông tin sâu, khi đó có thể dùng hệ thống tai nghe để nghe chuyện. Cũng phải nói thêm, dùng QR code đòi hỏi mạng phải rất mạnh. Vì thế, chúng ta vẫn cần hướng dẫn viên - họ biết cách kể chuyện và tương tác. Như hướng dẫn viên hướng dẫn trẻ em trong các chương trình giáo dục ở Văn Miếu, Hà Nội chẳng hạn.
Vì sử dụng công nghệ sẽ tốn kém nên các bảo tàng cũng tính chuyện nhờ nhãn hàng tài trợ rồi trả quyền lợi bằng quảng cáo. Ông nghĩ sao về điều này?
Tài trợ rồi cắm quảng cáo trong nội dung là cấm tuyệt đối. Các nước họ cấm tuyệt đối việc này. Ở nhiều nước, nếu quảng cáo ở trong bảo tàng, người ta kiện ngay. Bảo tàng rất tế nhị, thí dụ như một bức ảnh đăng lên thôi mà có cái nhãn hiệu A, B, C là nhạy cảm rồi. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cho hoạt động bảo tàng vẫn được gắn logo vào trong một số ấn phẩm của bảo tàng với tư cách là nhà tài trợ.
Bình luận (0)