Xây dựng thương hiệu cá nhân trong học tập, những lợi ích bất ngờ

28/02/2023 09:59 GMT+7

Không ít sinh viên tận dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu cá nhân trực tuyến trong quá trình học tập để có thể tăng cơ hội được nhà tuyển dụng 'để mắt tới'.

Thương hiệu cá nhân: Hình ảnh chuyên nghiệp trên mạng xã hội

Một số sinh viên tạo "độ nhận diện" bằng cách cập nhật yếu tố ngoại hình, kỹ năng, kinh nghiệm... trên mạng xã hội để người khác biết đến cũng như nhận lại giá trị từ những bài đăng của mình.

Chẳng hạn, Trần Ngọc Anh Khoa, sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) từ năm lớp 9 và nhận được cơ hội làm việc khi mới vào lớp 10. "Tôi không suy nghĩ gì nhiều, chỉ muốn chia sẻ những tác phẩm mình làm cho mọi người xem và xem Facebook như là nơi lưu trữ quá trình phát triển của mình", Khoa kể.

Hiện tại, Khoa phân chia nội dung rõ ràng cho các nền tảng mạng xã hội: TikTok dùng để chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh, Instagram là nơi đăng tải các tác phẩm nghệ thuật, còn Facebook dành cho khoảnh khắc cá nhân hoặc những dự án anh có cơ hội cộng tác. "Mỗi nền tảng, mỗi mục đích nhưng điều cốt lõi tôi muốn là lan tỏa năng lượng tích cực và chia sẻ góc nhìn khách quan", Khoa nói thêm.

Sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân trực tuyến - Ảnh 1.

Trần Ngọc Anh Khoa (bên phải), sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa truyền thông Trường ĐH Hoa Sen

NVCC

Còn Lý Trí An, sinh viên chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn Trường ĐH RMIT, cũng quảng bá hình ảnh bản thân khá sớm trên kênh YouTube, để mọi người biết đến khả năng chơi violin. Trở thành nghệ sĩ tự do, hình ảnh An gắn liền với cây đàn vẫn luôn tạo được dấu ấn.

"Bên cạnh việc đăng video chơi đàn và hình ảnh đi diễn trên YouTube, Facebook, tôi đang tập trung sản xuất nội dung trên TikTok, như chia sẻ lời khuyên về việc học violin hoặc chơi các bài nhạc được yêu cầu để tăng tương tác", An chia sẻ.

Không chỉ sinh viên theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật mới quảng bá hình ảnh, những sinh viên chọn mảng MC-voice talent như Nguyễn Ngọc Hoài An (sinh viên năm 2, chuyên ngành Báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng nhận thấy việc xây dựng thương hiệu cá nhân là cần thiết để không "hòa tan" giữa thị trường MC cạnh tranh cao. Việc đầu tiên An làm là thận trọng hơn khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội. "Những nội dung thể hiện mục tiêu sống, phong cách làm việc và thành tích cá nhân mới xuất hiện trên tài khoản của tôi", An nói.

Sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân trực tuyến - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Hoài An (sinh viên năm 2, chuyên ngành Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) dẫn chương trình talkshow

NVCC

Không quên đầu tư cho đời thật

Sinh viên dành phần lớn thời gian rảnh rỗi trên mạng xã hội nên trang cá nhân phần nào phản ánh hoạt động trực tuyến của họ. Dẫu vậy, họ không quên phát triển bản thân ngoài đời thực.

Lý Trí An chia sẻ: "Hồ sơ trên mạng được ví như 'bộ mặt' của một người, nên hồ sơ tốt có thể cải thiện cách mọi người nhìn nhận mình. Tuy nhiên, tôi vẫn đầu tư cho cuộc sống thật ở các yếu tố: ngoại hình, bao gồm phong cách ăn mặc; sức khỏe thể chất và khả năng giao tiếp trực tiếp".

Sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân trực tuyến - Ảnh 3.

Lý Trí An, sinh viên chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn Trường ĐH RMIT, biểu diễn violin

NVCC

Phong cách ăn mặc cũng là một trong những điều được Nguyễn Ngọc Hoài An (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) quan tâm, song song đó là nâng cấp trình độ chuyên môn. "Tôi phải làm vậy vì rất sợ ai đó tiếp xúc với mình ngoài đời rồi thắc mắc sao trên mạng và ngoài đời khác biệt 'một trời một vực' như vậy", An bày tỏ.

Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, chị Phạm Thị Thúy Hằng (công tác tại Công ty TNHH Chăm sóc giáo dục, Q.5, TP.HCM) đánh giá việc sinh viên ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội là điều tích cực.

"Đây là chiến lược tiếp thị bản thân rất tốt khi công nghệ phát triển như hiện nay. Sinh viên nên biết chọn lọc và định hướng khả năng phát triển của bản thân, từ đó tìm cách quảng bá chúng cho phù hợp, cần thiết thì tìm người dẫn dắt giỏi để học hỏi kinh nghiệm", chị Hằng nói.

Trong khi đó, một số sinh viên như Ngô Thị Hồng Phương (sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) dù học về mảng sáng tạo nhưng ít cập nhật thông tin cá nhân lên mạng xã hội vì muốn thể hiện khả năng ngoài đời thực hơn.

"Vì muốn các thiết kế phải mang đặc điểm riêng nên tôi chưa mang chúng lên mạng xã hội. Tôi nghĩ khi tay nghề vững hơn thì sẽ đầu tư vào kênh này vì thời trang luôn phải cập nhật liên tục và chi phí bỏ ra cho việc này cũng không nhỏ", cô bổ sung.

Nhà tuyển dụng có nên kiểm tra tài khoản mạng xã hội của ứng viên?

Nghiên cứu của ĐH Appalachian State (Mỹ) chỉ ra rằng 84% tổ chức sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng nhân sự và 43% sẽ kiểm tra lý lịch trên mạng của các ứng viên trước khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho hay việc làm này chỉ mang tính chất tham khảo, chứ không phải yếu tố quyết định trong quá trình xin việc. "Nhà tuyển dụng nên đánh giá toàn diện, cả về kiến thức và kỹ năng mà ứng viên thể hiện ngoài đời thực", chị Phạm Thị Thúy Hằng chia sẻ.

Mặt khác, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Quản lý Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Retro-Max Vietnam) đề xuất sinh viên không cần lo lắng tạo dựng hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, mà nên tập trung tích lũy những kỹ năng thực tế phù hợp với công việc ứng tuyển. "Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên có sự chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn, vì điều đó cho biết trước sự nghiêm túc và cầu toàn của họ trong công việc", chị Thùy Linh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.