Trường học kiên cố nhưng không có nhà vệ sinh
Chia sẻ về lý do này, cô Triệu Thị Tuyết cho biết, Trường tiểu học Kéo Yên được xây dựng từ năm 2.000 nhưng thiếu kinh phí nên chỉ có 1 nhà vệ sinh tạm. Đến năm 2017, nhà vệ sinh tạm cũng phải phá bỏ để nhường đất xây trường mầm non.
“Từ đấy, nhà trường không có nhà vệ sinh, phải sử dụng chung nhà vệ sinh với trường mầm non rất bất tiện. Thêm vào đó, nhà vệ sinh ở xa quá, thời gian đi vệ sinh rất lâu...”, cô Tuyết cho hay.
|
Theo cô Tuyết, hiện nhà trường có 91 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Nùng. Trong số này, chiếm tới 76% em thuộc hộ nghèo nên công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng các công trình lớn như nhà vệ sinh, phòng học rất khó khăn. Trong khi đó, kinh phí xây dựng của huyện, xã cũng không có.
Chia sẻ về cuộc sống không có nhà vệ sinh ở trường, thầy giáo Đỗ Đại Phong, giáo viên của trường, cho biết: “Sống trong cảnh thiếu nhà vệ sinh như vậy rất khó để giáo dục học sinh ý thức vệ sinh môi trường. Các em chỉ được ra chơi 15 phút, lại mải chơi nên đến lúc buồn đi vệ sinh không đi xa được, thường đi bậy, gây mùi xung quanh trường. Các thầy cô cũng nhắc nhở nhiều lần nhưng không cải thiện được”.
Đóng gạch sinh thái xây nhà vệ sinh
Để giúp đỡ trường vùng cao khó khăn và giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, T.Ư Đoàn triển khai xây dựng tặng trường 1 nhà vệ sinh sử dụng vật liệu chai nhựa với kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng.
Đây là dự án do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phát động. Các em học sinh tiểu học sẽ gom chai nhựa và rác thải nhựa về để đóng "gạch sinh thái". Các chai nhựa được rửa sạch, đổ cát sỏi hoặc các vật dụng có thể làm cứng lại rồi gắn kết lại bằng xi măng, dùng như mỗi viên gạch để xây dựng. Mỗi công trình cần khoảng 5.000 chai nhựa.
|
Theo T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, năm 2020, dự án đã trao tặng 8 nhà vệ sinh làm từ vật liệu chai nhựa cho các tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự kiến năm 2021, sẽ có 5 nhà vệ sinh được xây dựng từ vật liệu này để tặng học sinh. Độ bền của nhà vệ sinh này được tính toán có tuổi thọ trên 10 năm, tương đương với các nhà vệ sinh được xây dựng bằng vật liệu kiên cố. Đặc biệt, công trình còn mang ý nghĩa giáo dục cho học sinh về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và tái chế rác thải nhựa.
Tại lễ trao tặng nhà vệ sinh, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, cho biết T.Ư Đoàn mong muốn với công trình này sẽ vừa sử dụng được nhân lực là các em học sinh, sinh viên, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường, vừa giải quyết được khó khăn và nhu cầu thiết yếu của trường học vùng sâu, vùng xa.
Bình luận (0)