Ba mất từ khi My mới 4 tuổi nên mẹ em, bà Đinh Thị Luyến, một mình gồng gánh nuôi con bằng nghề buôn bán ve chai. Lớn lên trong nghèo khó, chính hoàn cảnh ấy đã giúp cô gái nhỏ kiên cường, từng ngày chắp cánh cho ước mơ và trên hết là điểm tựa cho người mẹ của mình.
Hàng ngày sau giờ học, My lại tranh thủ thời gian rảnh giúp mẹ phân loại ve chai. Em hiểu rằng, mỗi chai lọ, mỗi tờ giấy vụn mẹ thu gom được không chỉ là mưu sinh mà còn là những nỗ lực đổi lấy tương lai tươi sáng hơn.
Không để khó khăn chùn bước, My đã biến nỗi vất vả thành động lực để vươn lên trong học tập. Những tấm huy chương Olympic Khoa học tự nhiên, giải nhì môn Sinh học cấp thành phố không chỉ là thành quả của nỗ lực miệt mài mà còn là lời khẳng định, tri thức chính là con đường để em thay đổi cuộc đời.
Dù vất vả, thu nhập bấp bênh là vậy, nhưng với bà Luyến, hạnh phúc không đến từ vật chất mà từ những thành quả trong học tập của cô con gái nhỏ.
Hiểu được hoàn cảnh vất vả mẹ và mình đang trải qua, My càng đồng cảm hơn với những bạn khó khăn hơn mình. Em và một vài người bạn đã thành lập một dự án thiện nguyện mang tên "Trà đá đường". Các em cùng nhau đan móc các vật dụng bằng len rồi lên các trang mạng bán online, gây quỹ cho các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội.
Sáng 24.8.2024, trong buổi lễ trao học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, Giáng My đã nhận được số tiền học bổng trị giá 2 triệu đồng. Số tiền này sẽ giúp em có thêm điều kiện để tiếp tục chặng đường học tập, và quan trọng hơn là động lực để em vững bước trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Cũng như Giáng My, nhiều nữ sinh nghèo, hiếu học khác cũng nhận được học bổng trong sáng 24.8. Bắt đầu từ năm học 1991 - 1992 đến nay, Báo Phụ Nữ đã liên tục 32 năm duy trì chương trình học bổng ý nghĩa này, tiếp sức ước mơ cho hàng ngàn nữ sinh khó khăn tiếp tục con đường học vấn, hướng tới tương lai tươi sáng, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.
Bình luận (0)