Xe cấp cứu gặp tai nạn, tranh cãi quanh việc xe cấp cứu vượt đèn đỏ

17/10/2018 14:51 GMT+7

Vụ tai nạn giữa ô tô Mazda 6 và xe cấp cứu tại ngã 4 đường tránh Nam Hải Vân và Hoàng Văn Thái nối dài (thôn Đại La, xã Hòa Sơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã xẩy ra nhiều tranh cãi.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 14.10, tài xế Lê Văn Dũng (46 tuổi, ngụ 38 Hùng Vương, tổ 11, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) điều khiển ô tô Mazda 6 BS 43A - 358.55 trên đường Hoàng Văn Thái đi Bà Nà.
Đến giao lộ trên, xe Mazda 6 va chạm ngang thân xe cấp cứu BS 51B - 241.26 do Nguyễn Phước Thuận (47 tuổi, ngụ 30/12 khu phố 1, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) điều khiển.
Lúc này, ngồi cạnh tài xế Thuận là chủ xe kiêm lái phụ Trần Phước Phát (48 tuổi, ngụ 140/11/6 Phan Văn Trị, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Phía băng ghế sau có Đinh Thị Ánh (19 tuổi, y tá Bệnh viện Q.4, TP.HCM), Trần Đức Quân (34 tuổi), Trần Đức Mạnh (25 tuổi) và thi thể ông Trần Đức Khôi (64 tuổi, cùng ngụ đường 11 P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Chủ xe Trần Phước Phát kể xe cấp cứu đi qua đèn xanh trong khi thực tế camera thể hiện xe vượt đèn đỏ  Ảnh: Văn Tiến
Chủ xe Trần Phước Phát cho biết ông nhận hợp đồng xe đưa bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM về Hà Tĩnh (từ 23 giờ ngày 13.10), theo xe có y tá Ánh chăm sóc và 2 người nhà bệnh nhân. Đến Khánh Hòa, bệnh nhân Khôi tử vong.
Liên quan đến vụ tai nạn, ông Phát khẳng định xe cấp cứu qua giao lộ khi đèn tín hiệu giao thông bật xanh. Còn tài xế Lê Văn Dũng cũng khẳng định ông chấp hành đúng tín hiệu đèn xanh khi qua giao lộ.
Theo dữ liệu đăng kiểm, xe 51B-241.26 có hạn kiểm định đến tháng 12.2018, đã được chuyển đổi công năng từ xe khách 16 chỗ sang xe cấp cứu, có trang bị còi, đèn ưu tiên.
Qua trích xuất camera, khi băng qua giao lộ, xe cấp cứu đã lấn sang làn đường ngược lại và vượt đèn đỏ. Trong khi đó, xe Mazda 6 khi vào giao lộ cũng không có dấu hiệu giảm tốc.
Đoạn clip trích xuất từ camera giao thông về vụ tai nạn đã khiến cộng đồng mạng tranh cãi về lỗi phương tiện. Nhiều ý kiến cho rằng xe cấp cứu khi sử dụng đèn ưu tiên có thể vượt đèn đỏ. Nhưng một luồng ý kiến khác lại cho rằng, trong tình huống cụ thể trên, xe cấp cứu của ông Phát đang chở thi thể, thì không được bật đèn, còi ưu tiên.
Theo trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Đà Nẵng, xe cấp cứu ngoài xe của các đơn vị y tế công lập, còn có xe tư nhân làm dịch vụ. Nhưng tất cả các xe cấp cứu đều phải có giấy phép do cơ quan công an cấp, khi đó mới được lắp còi, đèn ưu tiên để sử dụng trong các tình huống cần thiết.
Tài xế Lê Văn Dũng (áo trắng) Ảnh: Văn Tiến
Theo Điều 22 Luật giao thông đường bộ, khi gặp xe ưu tiên, các phương tiện phải giảm tốc độ, nhường đường và có thể bị xử phạt nếu vi phạm.
“Xe cấp cứu được sử dụng còi, đèn để đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ… trong trường hợp đang trên đường đến địa điểm cấp cứu hoặc đang chở người bị nạn đi cấp cứu”, trung tá Rạng cho biết.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Đà Nẵng cho biết thêm, hiện chưa thể kết luận nguyên nhân vụ tai nạn, và vụ việc đang được Công an H.Hòa Vang điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, qua camera quan sát, vụ tai nạn là một bài học kinh nghiệm cho tất cả phương tiện khi đi vào giao lộ, phải quan sát, giảm tốc độ để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.