Xe chè ‘hạnh phúc’ 40 năm giúp cả gia đình được đoàn tụ ở Sài Gòn

15/01/2018 12:08 GMT+7

Hơn 40 năm qua, xe chè không chỉ đơn giản là một công việc buôn bán, kiếm sống của gia đình cô Lộc, mà đó còn là cả câu chuyện đời của những con người phải sống cảnh chia cắt bởi cái nghèo…

Xe chè cô Lộc nằm ngay góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng giao với Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TP.HCM), gần 40 năm nay vẫn làm say đắm không biết bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn. Với nhiều loại chè khác nhau như: chè đậu xanh, chè đậu đen, đậu trắng, chè bưởi, chè thưng, chè trôi, chè bà ba, sâm bổ lượng,... thực khách có thể thoải mái lựa chọn vị yêu thích với giá "thân thiện với túi tiền".
VIDEO: Cô Lộc Sài Gòn và xe chè 40 năm, đầy nước mắt lẫn nụ cười
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
Thế nhưng, ít người biết, ẩn sau những bịch chè thơm ngon, màu sắc bắt mắt này còn là cả một câu chuyện đầy cảm xúc của gia đình cô Lộc…
5 năm xa cách vì… nghèo
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ngày trước, cô Lộc (59 tuổi) chậm rãi cho biết: “Tui với ổng (chồng cô Lộc – PV) cùng làm công nhân đường sắt, gặp rồi thương nhau thì cưới luôn. Sau khi đất nước thống nhất, hai vợ chồng đi làm thêm làm mướn mà không đủ tiền ăn. Tới khi tui có bầu đứa đầu thì túng thiếu tới nỗi cả ngày chỉ có đúng một củ sắn luộc ăn dằn bụng”.
Thấy bà con hàng xóm chỉ nhau “vô Sài Gòn làm giàu dễ lắm”, vậy là cô Lộc bàn với chồng “chia nhau ra mà làm ăn, chừng nào có tiền rồi thì về với nhau”.
“Đâu dễ gì mà quyết định vợ một nơi, chồng một nẻo vậy được. Mới đầu chú không có chịu đâu, nhưng vì không nghĩ ra được cách nào tốt hơn nên ổng cũng xuôi theo”, cô Lộc nhớ lại.
Ngày đưa vợ “đi lập nghiệp”, chú Vũ (64 tuổi, chồng cô Lộc) cứ bịn rịn mãi, “ổng tình cảm hơn tui nhiều, thấy ổng khóc tui sợ không đành lòng nên đi nhanh thiệt nhanh”.
Qua lời kể của cô Lộc, những ngày sống nơi mảnh đất lạ, nhớ nhà, nhớ chồng mà không biết làm gì “đêm đêm cứ ngồi ôm bụng bầu mà chảy nước mắt, nghĩ thôi ráng vì con, ráng để có ngày gặp lại là mình có thể chịu đựng được hết”.
Nhiều bịch chè với đủ loại khác nhau treo lủng lẳng phía trước rất bắt mắt Ảnh: Lưu Trân
Nhớ món chè đậu ván ngày nhỏ mẹ hay nấu cho ăn, cô Lộc cũng mày mò nấu rồi gánh đi bán rong khắp Sài Gòn. Về phần chú Vũ chồng cô, “sau 5 năm làm ruộng thuê ngoài quê thì cũng dồn được ít vốn, đủ để lên đường vào Nam với vợ con”.
“Tui nhớ như in cái ngày gặp lại nhau, bà ấy ốm đi nhiều, nhìn mà tui chỉ biết ôm vợ con mà khóc vì thấy mình có lỗi quá. Nhưng mà bà ấy chưa từng trách tôi dù chỉ một lời, nghèo khổ nhưng vợ chồng hạnh phúc cũng nhờ thông cảm, thấu hiểu cho nhau”, chú Vũ bồi hồi kể.
Từ gánh hàng rong đến xe chè 24 món
Xe chè cô Lộc mở bán từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối mỗi ngày, hoặc tới khi bán hết mới về Ảnh: Lưu Trân
Nhiều người thích hương vị chè miền Trung, lại thương hoàn cảnh của cô Lộc nên chỉ cô nấu thêm nhiều món chè khác của miền Nam để có nhiều khách hơn. Cứ thế, mỗi ngày học một ít, gánh chè của vợ chồng cô Lộc từ một món đã tăng lên ba món, năm món… Đến nay đã có tổng cộng 24 món, thực khách có thể tha hồ lựa chọn tùy thích.
Sau hơn mười năm gánh bán dạo, hai vợ chồng đã mua được căn nhà tại quận Bình Thạnh và nuôi bốn người con “ăn học đến nơi đến chốn”.
Chè ở đây có giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/bịch Ảnh: Lưu Trân
“Mình có tuổi rồi thì không gánh đi nổi nữa, cũng nhờ mấy chú trên UBND phường Đa Kao, quận 1 nên gia đình tui mới được đứng ngay góc ngã tư này, bán tới giờ cũng 25 năm”, chú Vũ tâm sự.

Nhiều thực khách cho biết: “Quán chè có tên cô Lộc nhưng mà người ta toàn gọi là chè “thần kỳ” vì nó có nhiều món chè, như kiểu ghé đây thì ăn chè gì cũng có hết. Có người lại gọi là chè “ông tiên” vì chú chồng cô Lộc có mái tóc bạc phơ như ông tiên vậy, cũng không ít người khi nghe câu chuyện đời của gia đình bà chủ thì đặt luôn cho xe chè cái tên chè “hạnh phúc”.

Gần hai mươi năm bán hàng rong và hai mươi lăm năm dừng chân nơi góc ngã tư này (địa chỉ hiện tại) , hoàn toàn không ngoa khi nói cô Lộc đã dành cả nửa đời người để gắn bó với xe chè. Cô cho biết nguyên liệu nấu chè đều được lựa chọn cẩn thận, phải lấy từ nhà vườn chứ không mua lung tung.
Thậm chí, mỗi loại chè đều có một cái nồi riêng được đánh dấu. “Chè bưởi thì nấu nồi có chữ B dưới đáy, chè thập cẩm thì có chữ TC, viết tắt đó mà”, cô Lộc nói.
Lý giải về điều này, cô Lộc tiết lộ: “Dù tất cả đều là nồi nhôm, nhưng vấn đề là mình nấu một loại chè lâu ngày thì cái nồi đó sẽ giữ được cái mùi đặc trưng của chè, nếu nấu loại chè khác vào chắc chắn hương vị sẽ mất đi ít nhiều”.
Anh Ngô Tùng Lâm (30 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ: “Tôi ăn chè ở đây từ thời sinh viên tới giờ, ăn riết ghiền luôn. Chè ở đây không quá ngọt, vị rất thanh nên ăn nhiều cũng không thấy ngán. Chè đã ngon, cô chú bán chè cũng rất tốt bụng. Nhớ hồi năm ba đại học, tôi ăn chè mà quên mang tiền theo, cô chú vẫn cười bảo ăn đi con, bữa sau ghé trả tiền cũng được”.
Ngoài chè, ở đây còn có bán bánh ít lá gai rất ngon Ảnh: Lưu Trân
Cô Lộc rất hay cười, lạc quan, luôn tự làm mọi việc không muốn nhờ vả ai Ảnh: Lưu Trân
Giữa cái tiết trời “lúc nóng lúc lạnh” của Sài Gòn mùa này, được nhâm nhi một ly chè ngọt bùi, mát lạnh lan tỏa nơi cổ họng, tự dưng tôi lại thấy mình trầm hẳn khi nghĩ đến lời tâm sự của cô Lộc: “Nhờ mấy món chè này mà con cái tui được học đại học, vợ chồng tui được đoàn tụ với nhau. Dù bây giờ có nhà rồi, cuộc sống cũng ổn định, nhưng mà nói nghỉ bán thì tui không làm được. Xe chè là cả cuộc đời tui, vui buồn, khổ cực hay sung sướng gì cũng nằm trong đây hết. Con cái nó lớn thì có sở thích riêng, mình đâu thể ép nó theo nghiệp này như mình. Không biết sau này vợ chồng tui mất thì xe chè ra sao…”.
Chè ở đây được ăn với hai loại nước cốt dừa, một loại lỏng và một loại đặc, cả hai loại đều được đun trên bếp lửa để giữ độ nóng và thơm ngon Ảnh: Lưu Trân
Món sương sa hạt lựu vô cùng bắt mắt mang thương hiệu "cô Lộc" Ảnh: Lưu Trân
Chè bưởi đậu xanh luôn là món được bán hết nhanh nhất Ảnh: Lưu Trân
Anh Hùng (con trai cô Lộc) đang phụ mẹ bán chè Ảnh: Lưu Trân
Chè ở đây ngọt thanh, không gắt, hạt đậu mềm và bùi, khiến thực khách đã ăn một lần thì sẽ muốn ăn hoài Ảnh: Lưu Trân
Suốt nhiều năm qua, nơi đây vẫn là địa điểm ăn vặt quen thuộc của nhiều người Sài Gòn Ảnh: Lưu Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.