Xe đạp

13/02/2013 16:00 GMT+7

(TN Xuân) 1. Hồi đó làng Lộc An quê tôi chỉ ba nhà có xe đạp. Năm 1969, ba tôi được đơn vị hóa giá một chiếc xe hiệu Vĩnh Cửu của Trung Quốc, kiểu xe thồ, không có gác đờ bu (chắn bùn), gác đờ sên (chắn xích), tồng ngồng như một gã thanh niên cao lớn cởi truồng. Ba tôi mang xe đạp về rồi lên Trường Sơn. Trước khi đi, ông lên công an huyện đăng ký, lấy chứng nhận và biển số xe về giao cho mạ tôi, dặn: "Ba đăng ký tên mẹ, con nó còn nhỏ, mẹ khoan cho đi". Mạ tôi lấy dây treo chiếc xe lên sát phên đất trong nhà.

(TN Xuân) 1. Hồi đó làng Lộc An quê tôi chỉ ba nhà có xe đạp. Năm 1969, ba tôi được đơn vị hóa giá một chiếc xe hiệu Vĩnh Cửu của Trung Quốc, kiểu xe thồ, không có gác đờ bu (chắn bùn), gác đờ sên (chắn xích), tồng ngồng như một gã thanh niên cao lớn cởi truồng. Ba tôi mang xe đạp về rồi lên Trường Sơn. Trước khi đi, ông lên công an huyện đăng ký, lấy chứng nhận và biển số xe về giao cho mạ tôi, dặn: "Ba đăng ký tên mẹ, con nó còn nhỏ, mẹ khoan cho đi". Mạ tôi lấy dây treo chiếc xe lên sát phên đất trong nhà.

Một năm sau, tôi mới táy máy đưa xuống, bơm lên và dắt, bọn trẻ xúm sau mà đẩy, miết không biết thế nào lại có thể thò chân qua khung mà đạp, cứ đạp nửa vòng lại đạp ngược lại vì chân thò không đến nơi... Hôm tôi đạp chạy quanh làng, cả làng xôn xao như có sự kiện lớn. Ai nấy phục lăn.

Bây giờ mới biết, tài sản đầu tiên đứng tên mạ tôi là chiếc xe đạp, ngang một gia tài, lại chính chủ nữa mới oai (hồi đó cái nhà tranh nhà tôi chưa có sổ đỏ).

 Xe đạp 1

2. Lên học cấp 3, nhà xa trường 8 km. Xe hay bị hỏng và chỉ có một chỗ sửa duy nhất là nhà bác Bích ở Mỹ Lộc. Bác Bích trước ở Thái Lan về nên bà con gọi là ông Bích Thái Lan. Bác Bích rất khéo tay. Hồi đó bác lên rừng, tìm chỗ máy bay rơi nhặt về từng đoạn ống đuya ra (hợp kim không gỉ) rồi chế lại làm cái khung xe đạp, uốn làm ghi đông... Chỗ mảnh thân máy bay thì nung chảy, đúc vành và các phụ tùng khác. Bác ráp lại thành chiếc xe trắng tinh, đẹp không thể tả. Bác đạp xe đi, ai cũng ngưỡng mộ.

Thế rồi một ngày, đi học về ngang nhà bác, thấy rất đông người, tôi len vào xem. Thì ra công an huyện đang lập biên bản. Bác ký biên bản xong, mấy chú công an lấy búa đập khung xe bẹp dúm rồi vứt xuống sông Kiến Giang trước nhà. Bác ngồi đốt thuốc liên miên, không nói không rằng.

Lúc đó chỗ khung xe đạp dưới ổ trục có số. Có số khung mới được đăng ký và có biển số. Xe bác không có số khung, tất nhiên không đăng ký được. Xe lại làm toàn bằng vật liệu của bọn đế quốc sài lang. Phải đập.

Lâu sau, có lần bác kể, bên Thái Lan xe đạp không cần đăng ký. Tôi nghe nhưng không tin, lại còn nghĩ bác tư tưởng tư sản, ca ngợi bọn tư bản giãy chết. Có điều không nói ra, sợ bác lấy tiền sửa xe.

Xe đạp 2

Xe đạp 3
Xe đạp gắn biển số của học sinh Trường THPT Sào Nam - Ảnh: Nguyễn Tú

3. Thời bao cấp, xe đạp thuộc diện phân phối. Cán bộ được phân một chiếc xe đạp Thống Nhất, Hữu Nghị... là quý lắm. Tôi nhớ đâu như giá 360 đồng (lúc đó 1.000 đồng có thể mua được ngôi nhà ngói 3 gian, loại có thể coi ngang biệt thự bây giờ). Tất cả phụ tùng đều phân phối, gọi là chế độ "cung cấp". Có tiền cũng không dễ gì mua. Vì thế nhiều người đi xe hai chiếc săm vá chằng vá đụp, chiếc lốp nát khâu không được phải dùng cao su quấn lại, gọi là lốp cố vấn (cố mà vấn lại).

Người bình thường đi xe không phanh, không chuông, không gác đờ bu nên mới có lời chế từ bài hát Tôi, người lái xe rất thịnh hành lúc đó. Nguyên bài hát có lời: Xe tôi băng qua trăm núi ngàn sông/Khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông... thành ra Xe tôi không phanh không gác đờ bu/Vẫn lai cô em trên đường vi vu...

Người "có điều kiện" thì xe đầy đủ, có cả chuông, cả đèn.

Thành bạn học của tôi có chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Nó nhét sau yên xe một cái khăn, hễ dừng xe là nó rút khăn ra lau sạch không còn hạt bụi. Dựng xe, nó lôi từ túi quần ra một miếng bìa, lót xuống đất rồi mới lấy tay bẻ chân chống xuống (chứ không dùng chân đá như người khác). Về nhà, khi tựa xe vào vách, nó lấy khăn bịt chỗ tay cầm trên ghi đông mới đặt sát vô tường.

4. Những năm 1970, những năm tháng khốn khó của thời bao cấp, xe đạp là phương tiện giao thông tiến bộ nhất của người dân. 

Những năm đó, sinh viên đi học ở Liên Xô về nước mang theo xe đua hiệu Sputnhic là rất oai. Anh nào đi chiếc Sputnhic thì không gái nào là tán không được.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, xe đạp sản xuất từ miền Nam theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ hay đi phép ra miền Bắc nhiều lại không đóng số khung, hồi đó không có nhiều thông tin nên không biết có nghị định nào không nhưng công an bỏ luôn đăng ký và cấp biển số xe đạp.

Sang đến thập niên 1980, người đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông u gửi về các loại Favorit (Tiệp), Mifa (CHDC Đức) được coi là hợp mốt nhất thời kỳ đó. 

Thời kỳ đầu Đổi mới, xe cũ của Nhật theo cánh thủy thủ tàu viễn dương về nhiều. Xe Nhật bền nhưng giá một chiếc gọi là còn mới không dưới 6 chỉ vàng. Thủy thủ nào mang về 10 chiếc lãi mua được cả căn hộ ở Hà Nội. Các tỉnh phía bắc, nhất là thủ đô ngập tràn xe đạp. Người con gái mặc áo dài đi xe đạp là hình ảnh đẹp và đặc trưng của Việt Nam thời đó. Chả thế mà có bài hát Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm... ngày nào Đài tiếng nói VN chẳng phát vài lần. Một thành phố mà mọi người lưu thông bằng xe đạp thấy rất yên bình.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Ông bí thư đi xe đạp
>> Tặng xe đạp cho học sinh
>> Muôn dặm đường xe đạp
>> Đoàn xe đạp xuyên Việt "Đồng hành da cam" đến Huế
>> Đà Nẵng đón đoàn xe đạp xuyên Việt "Đồng hành da cam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.